Thủ tướng: Tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu 3.000 Km cao tốc đến hết nhiệm kỳ
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại mục tiêu có 3.000 Km cao tốc đến cuối nhiệm kỳ.Theo Thủ tướng, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia gồm 36 dự án với 83 dự án thành phần.
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.
Tuy nhiên, một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý, tổ chức thực hiện trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, cung ứng nguyên vật liệu.
Một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập... Thủ tướng cho biết thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai một số dự án, việc thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm, chưa có quy chuẩn cho đường cao tốc, việc triển khai, quản lý, thi công, tư vấn, giám sát tại một số dự án còn hạn chế, bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp…
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Một là, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục vốn ODA, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả và linh hoạt.
Hai là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; xử lý các khó khăn về đường gom, đường tránh, nút giao cho người dân.
Ba là tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ biến động giá nguyên, vật liệu.
Bốn là sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý I/2024, rà soát, tính toán hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 5 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư hai làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp.
Năm là nâng cao năng lực, chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát... Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 Km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.