Thủ tướng: Tăng trưởng GDP trong quí I/2020 có thể giảm khoảng 1%
Tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 1/2020, liên quan tới tình hình dịch do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã thành lập sớm Ban chỉ đạo quốc gia, có nhiều động thái khác nhau chỉ đạo phòng chống dịch chủ động, "có thể hi sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân".
Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại Việt Nam và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", Thủ tướng nói và cho rằng, trong lúc khó khăn như vậy, việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo phòng chống dịch đến người dân khá quyết liệt.
"Chúng ta không thể không có giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm phát triển vì năm nay, chúng ta cam kết tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội giao". Thủ tướng phát biểu và đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận kĩ về tác động của dịch nCoV đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu năm nay.
Theo một số thống kê, trong 7 ngày Tết, ngành dịch vụ của Trung Quốc đã sụt giảm 144 tỉ USD, tăng trưởng GDP cũng có thể giảm đáng kể. Với thế giới, nhiều thị trường chứng khoán giảm điểm. Với Việt Nam, các ngành hàng không, du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu giảm.
"Trong quí I/2020, chúng ta có thể giảm tăng trưởng, trước hết là tháng 1, tháng có kì nghỉ Tết dài ngày, mà theo nghiên cứu, ước tính ban đầu, có thể giảm tăng trưởng GDP trong quí I/2020 khoảng 1%. Nếu kinh tế Trung Quốc giảm sâu cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và cho biết, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.