Thủ tướng: Nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm dự án cảng Liên Chiểu
Sáng 1/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi thị sát các công trình giao thông, dự án động lực trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tại dự án cảng Liên Chiểu, Thủ tướng cho biết có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, trong đó có Tập đoàn Adani của Ấn Độ, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản...
"Điều này cho thấy rằng cảng Liên Chiểu có vị trí rất chiến lược về mặt logistics. Do đó phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh để sức hấp dẫn của khu vực này tốt hơn", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Đà Nẵng, các bộ ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan cần quyết tâm cao hơn, phấn đấu hoàn thành hạ tầng dùng chung và đường ven biển kết nối cảng trước 30/8/2025.
Dự án cảng Liên Chiểu được quy hoạch, đầu tư và xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu với tổng diện tích 450 ha, gồm hai hợp phần. Trong đó, hợp phần A là phần cơ sở hạ tầng dùng chung, kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, đã khởi công cuối năm 2022. Hợp phần B được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 48.300 tỷ đồng.
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay giá trị khối lượng thi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung hoàn thành đạt 67%. Cụ thể hạng mục đê, kè chắn sóng thi công đạt 66%; hạng mục nạo vét luồng tàu và khu nước đạt 67%; đường giao thông và thoát nước đạt 68%.
Thủ tướng đánh giá chỉ hơn một năm, vừa làm thủ tục, vừa đầu tư và thi công nhưng dự án đã đạt khối lượng như vậy là nhanh, cần tiếp tục phát huy; đồng thời cần huy động sức mạnh tổng lực. Sang năm 2025, Đà Nẵng chỉ tập trung vào những dự án lớn, những dự án nhỏ để cho doanh nghiệp làm.
Đoàn cũng thị sát khu vực nghiên cứu lấn biển gần đường Nguyễn Tất Thành, với chức năng là khu dịch vụ logistics, diện tích khoảng 420 ha. Đây là một trong bốn vị trí thành phố dự kiến xây dựng khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Thủ tướng đồng ý chủ trương lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển, nhưng lưu ý địa phương cần nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề nguyên vật liệu san lấp; diện tích đất sau khi lấn biển cần thực hiện đúng chức năng theo tiêu chí khu thương mại tự do, những vị trí đẹp nhất dành cho sản xuất kinh doanh.
Tại dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 9 cần hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Khu vực này còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng nên lãnh đạo địa phương cần trao đổi để người dân hiểu.
Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần làm việc của các đơn vị thi công "bàn làm chứ không bàn lùi", "làm 3 ca 4 kíp", đồng thời đề nghị các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ đến 30/8/2025 hoàn thành dự án.
Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dài khoảng 11,5 km, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29 m, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ tháng 9/2023, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Tuy nhiên, ở giai đoạn phân kỳ này, tuyến đường sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22 m, mặt đường 14 m. Tổng mức đầu tư dự án gần 2.113 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 951 tỷ đồng.