Thủ tướng: Lạm phát đang giảm dần, phấn đấu giảm lãi suất, ưu tiên hơn cho tăng trưởng
Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần qua các tháng, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng song vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, cần lưu ý một số vấn đề như: OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024; việc Trung Quốc mở cửa, phục hồi vừa mang lại cơ hội vừa có những thách thức; rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản trên thế giới còn cao.
Với tình hình trong nước, cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài.
"Hiện nay, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; trước mắt, tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa trong bối cảnh dư địa còn khá lớn khi dư nợ công khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, so với Nghị quyết Đại hội XIII là 60% và 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 50% và 45% GDP.
Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung.
Về cầu, sớm có các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước; sớm có các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ người lao động, người dân, khuyến mại, giảm giá; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư tư nhân, tháo gỡ mọi rào cản, huy động hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh đàm phán các FTA. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng; phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Về cung, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và quản trị xã hội về lao động, môi trường, tạo thuận lợi cho các thị trường vốn, khoa học công nghệ, lao động, nâng cao năng suất lao động. Đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế; làm tốt công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.
Khẩn trương trình phương án giảm 2% VAT
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; theo dõi việc thực hiện các thông tư 02, 03, nếu có vấn đề nổi lên thì kịp thời giải quyết ngay; tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng và lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; rà soát và có giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; triển khai chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và 10 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ, thủy sản.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; sớm đề xuất các biện pháp xử lý vướng mắc về vốn ODA (trình trong tháng 5).
Đặc biệt, cần khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% VAT; trình phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu; tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ô tô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán…