|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: ‘Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì đến ta cũng nhận’

17:51 | 04/10/2018
Chia sẻ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sau 30 năm, doanh nghiệp FDI là một bộ phận không thể thiếu của kinh tế Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam sẽ thu hút FDI chọn lọc hơn.
thu tuong khong phai nha dau tu nuoc ngoai mang gi den ta cung nhan Nhà đầu tư nước ngoài 'sốt sắng' với bất động sản Việt
thu tuong khong phai nha dau tu nuoc ngoai mang gi den ta cung nhan FDI trong hai tháng đầu năm hơn 3,3 tỷ USD, Hàn Quốc đứng đầu chiếm 25%

Sáng 4/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức. Hội nghị có chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.

Hội nghị thu hút gần 2.600 đại biểu là lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương; các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, các Hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng thảo luận về chiến lược, định hướng giải pháp cho đầu tư nước ngoài trong giai đoạn phát triển mới.

'Doanh nghiệp FDI như những con ong'

Là người có nhiều năm gắn bó với việc thu hút FDI tại Việt Nam, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng ví von “doanh nghiệp FDI như những con ong”, bởi con ong đi hút mật không chỉ đảm bảo sự sinh tồn của nó mà còn làm thêm một động tác thụ phấn để đơm hoa, kết trái.

"Nhà đầu tư nước ngoài cũng như con ong mật, khi họ đầu tư phải có lợi ích, mang lại hiệu quả và việc họ vào đầu tư là một cách gián tiếp đóng góp cho nền kinh tế, tạo nguồn vốn, việc làm, các giá trị cho nền kinh tế và đóng góp cho thu ngân sách, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển đô thị và nông thôn…", ông nói.

thu tuong khong phai nha dau tu nuoc ngoai mang gi den ta cung nhan
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Việt Hùng.

Ông chỉ ra sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp. Đây là những bài học quan trọng để xác định định hướng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực có vốn FDI trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thời gian tới Việt Nam không thu hút FDI bằng mọi giá mà cần có giải pháp thu hút có trọng tâm trọng điểm. Ông cho rằng Việt Nam cũng phải tập trung phát triển các doanh nghiệp trong nước, giải phóng sức sản xuất và khai thông các nguồn lực, phát huy các nguồn lực trong nước.

“Qua chặng đường 30 năm thu hút FDI, Việt Nam phải nhìn lại quá trình đó để xem xét, đưa ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả của FDI về chất lượng, tính bền vững, giá trị được tạo ra… để tiếp tục ban hành chính sách thu hút FDI phù hợp hơn trong thời gian tới. Chúng ta phải xác định rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để đưa ra được giải pháp và điều chỉnh lại”, Bộ trưởng nói.

FDI mang cả những thua thiệt cho Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc mở cửa thu hút FDI là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu của đất nước.

“Thu hút đầu tư nước ngoài song hành cùng công cuộc Đổi mới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nay tiến lên hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao tầm vóc, vị thế của Việt Nam. Khu vực FDI là bộ phận không thể tách rời với nền kinh tế Việt Nam”, ông nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh sau 30 năm thu hút FDI, vẫn còn những tồn tại không mong muốn, vẫn còn những thua thiệt đối với đất nước. Trước hết, ông chỉ ra các doanh nghiệp FDI chủ yếu sử dụng công nghệ ở mức trung bình, hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực và trên thế giới. Khu vực FDI không có nhiều công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ đầu tư cho phát tiển còn thấp.

thu tuong khong phai nha dau tu nuoc ngoai mang gi den ta cung nhan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng FDI có vai trò quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.

Việc liên kết khu vực FDI và trong nước, việc chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng, chủ yếu ở mức gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Nhiều dự án FDI tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, báo lỗ, chuyển giá, đầu tư chui, không đảm bảo quyền lợi xứng đáng cho người lao động, trình độ quản lý còn yếu kém.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng quản lý Nhà nước về FDI còn thiếu chặt chẽ, thiếu tư duy quản lý để thu hút các nhà đầu tư toàn cầu, các nhà đầu tư công nghệ cao. Thiếu sự nhất quán ở các cấp, các địa phương,

Nhìn lại chặng đường 30 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ doanh nghiệp FDI mang vốn, công nghệ vào Việt Nam là điều rất quý và đặt câu hỏi liệu nước ta có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực. Ông yêu cầu cần có giải pháp tổng thể, quyết tâm cao trong thời gian tới.

Khuyến khích doanh nghiệp Việt mua lại doanh nghiệp ngoại

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ một số quan điểm thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới.

Một là, Việt Nam khẳng định khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam thực hiện với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội.

“Hợp tác FDI là sự chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam. Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là ta nhận nấy. Cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia”, ông nói.

Điều thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng nhà đầu tư cùng lợi ích, quyền lợi chính đáng của họ tại Việt Nam.

Thứ ba, thời gian tới Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh.

Thứ tư, Việt Nam khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển lao động, đầu tư mang tính chất bền vững, tạo giá trị gia tăng cao, thu hút các dự án công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm là, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác đa quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới để hình thành liên kết ngành, từng bước thực hiện các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn trong nền kinh tế toàn cầu, phù hợp với quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng.

thu tuong khong phai nha dau tu nuoc ngoai mang gi den ta cung nhan
Việt Nam nằm trong top đầu của 12 nước thu hút FDI thành công nhất thế giới. Ảnh: Minh Hoàng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều biến đổi, đan xen cơ hội và thách thức, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, ông yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần làm tốt một số nhiệm vụ: Giữ vững môi trường chính trị, nền tảng kinh tế vĩ mô, sự ổn định an ninh, quốc phòng, đối ngoại, thúc đẩy mạnh mẽ hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, cần hoàn thiện khung pháp luật, tương thích một số luật phù hợp các cam kết quốc tế, các hiệp định FTA thế hệ mới, nâng tầm nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Ông cũng nhấn mạnh cần hoàn thiện chính sách ưu đãi về đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư phải thực hiện các cam kết đề ra. Ngoài ra cần tăng cường hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp vào sự phát triển.

“Cảm ơn các nhà đầu tư tin tưởng VIệt Nam, lựa chọn Việt Nam, cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Sự thành công của các bạn là niềm tự hào của chúng tôi”, ông nói.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến hết tháng 9 năm nay, Việt Nam có 26.646 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD. Vốn FDI đã đầu tư vào 19 trong số 21 ngành nghề kinh tế của Việt Nam.

Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỉ trọng lớn nhất (57,1%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư gần 117 tỷ USD.

FDI tạo ra gần 4 triệu việc làm trực tiếp, gần 5 triệu việc làm gián tiếp, đóng góp vào khoảng 1/4 vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu.

Xem thêm

Hiếu Công

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.