|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Không đón khách nước ngoài từ nay đến cuối năm

14:42 | 02/11/2020
Chia sẻ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển kinh tế nhưng không bỏ qua việc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Sáng 2/11, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều vấn đề tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm qua.

Thủ tướng: Không đón khách nước ngoài từ nay đến cuối năm - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VOV).

Chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam

Theo Dân trí, Thủ tướng nhận định, nhiệm kì này là một nhiệm kì rất khó khăn. Ở Việt Nam "đầu kì thì Fomosa, cuối kì corona hoành hành, hiện giờ bão lũ làm tanh bành”. Với kinh tế thế giới thì chưa bao giờ khủng hoảng lớn như hiện nay, so với những năm 2008 - 2009, khủng hoảng kinh tế lần này rất xấu.

Đề cập tới đại dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh sự kiện này đã khiến cả thế giới điêu đứng.

Với Việt Nam, Chính phủ đã có chỉ đạo giãn cách xã hội trong đợt 1. Thủ tướng cho rằng nếu không làm thế sẽ có rất nhiều người chết.

“Sau 99 ngày không có dịch thì mừng lắm, tưởng rằng mình đã vượt qua nhưng dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng”, Thủ tướng nhắc lại và cho biết phương thức chỉ đạo lần này đã khác trước, chỉ cho giãn cách từng khu vực chứ không giãn cách xã hội toàn quốc. Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, làm theo phương thức cũ thì chắc chắn kinh tế tăng trưởng âm.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chống dịch là ưu tiên hàng đầu nhưng vẫn phải tập trung phát triển kinh tế. Thế giới đánh giá cao cách làm của Việt Nam. Hiện nhiều nước trên thế giới đang “vươn lên” về số lượng ca nhiễm, vì vậy Việt Nam không thể chủ quan, phải làm chặt chẽ, kiểm soát tốt dịch trong cộng đồng cả nước.

“Chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam, điều này cũng có những ý kiến phản đối nhưng Chính phủ vẫn cương quyết vì dịch bệnh vẫn khó kiểm soát. Nếu như không có dịch bệnh năm nay Việt Nam có thể đạt 21 triệu khách quốc tế, doanh thu từ du lịch có thể là trên 60 tỉ USD. 

Vì dịch bệnh COVID-19, doanh thu ngành du lịch năm nay đối với khách quốc tế gần như bằng không nhưng chúng ta chấp nhận điều này để bảo vệ sức khỏe người dân. Để kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ không đón khách du lịch nước ngoài từ nay đến cuối năm”, VOV dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Thủ tướng: Không đón khách nước ngoài từ nay đến cuối năm - Ảnh 2.

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021. (Ảnh: Dân trí).

Việt Nam thuộc nhóm 16 nước có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất thế giới

Về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng tái khẳng định Việt Nam là 1 trong 2 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng dương, trong đó Trung Quốc là nền kinh tế có qui mô lớn hơn Việt Nam. 

Trong ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương, trong khi quốc gia du lịch Thái Lan tăng trưởng âm hơn 8,5%. Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất thế giới.

“Năm 2019 Việt Nam vượt Malaysia, năm nay Việt Nam vượt Singapore một cách tuyệt đối. Điều này không phải chúng ta tự đánh giá mà là Quĩ Tiền tệ quốc tế ghi nhận. Mục tiêu của Việt Nam là sẽ vượt Philippines và quốc gia công nghiệp Thái Lan. Toàn dân tộc, quốc gia phải đoàn kết và vươn lên, nâng qui mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh”, Dân trí dẫn lời Thủ tướng.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, đợt dịch bệnh vừa rồi nông nghiệp là then chốt của nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đặc biệt là năm nay còn xuất khẩu gạo ngon, Đồng bằng Sông Cửu Long được mùa lúa gạo. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu một số thông tin kinh tế đáng chú ý, trong đó đầu tư xã hội chiếm hơn 34% GDP là nền tảng để phát triển; xuất khẩu vẫn tăng hơn 2,24% trong bối cảnh khó khăn hiện nay; xuất siêu đạt kỉ lục gần 18 tỉ USD và dự kiến hết tháng 12 sẽ đạt 20 tỉ USD; chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ cố gắng giữ vững; đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam mua dự trữ tới 92 tỉ USD ngoại hối, đây là mức kỉ lục từ trước tới nay.

Hạn chế phát triển thủy điện nhỏ

Theo Báo Chính phủ, giải thích về nguyên nhân gây nên mưa lũ và sạt lở đất ở miền Trung, Thủ tướng cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng ông lưu ý đặc thù của địa chất khu vực này là kết cấu đất sét, mưa nhiều sẽ gây ra sạt lở.

"Rừng già còn nhiều, khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80-90%, nhưng mưa thối đất thì không còn kết cấu nào chịu đựng được", Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đánh giá đầy đủ toàn diện hơn để có biện pháp tối đa, thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người tới thiên nhiên, tăng trưởng xanh tốt hơn. Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện là một trong những nước có tỉ lệ phủ xanh rừng lớn, trên 43%, đây là sự cố gắng và sắp tới phải làm tốt hơn nữa việc phủ xanh. 

Thủ tướng nhấn mạnh, phải xem xét vấn đề thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội, ví dụ việc trình Quốc hội việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng hai công trình ở Ninh Thuận và Nghệ An. 

Các công trình này lấy một ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn trong giải quyết đời sống, nước uống, nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực đó. Nếu chứng minh được thì Quốc hội mới thông qua. 

"Còn nhưng công trình thuỷ điện nhỏ tôi đồng ý với các đồng chí là nên rất hạn chế", Thủ tướng phát biểu.

Anh Đào (tổng hợp)

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.