Thủ tướng: Khám chữa bệnh từ xa là dấu mốc khởi đầu cho câu chuyện lớn hơn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19 do Bộ TT&TT và Bộ Y tế tổ chức ngày 18/4.
Thủ tướng đánh giá cao ngành TT&TT và ngành y tế chủ động cùng phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam tích cực tham gia trong chiến dịch phòng, chống COVID-19.
“Nhân đây tôi xin chào những chiến sĩ áo trắng dũng cảm, kiên cường, đi đầu trong phòng chống đại dịch của COVID-19 ở nước ta”, Thủ tướng nói.
Từ nhiều năm nay, ngành y tế triển khai một số hoạt động khám bệnh từ xa, phẫu thuật từ xa, bệnh án điện tử.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các bệnh viện phải có thêm kênh khám bệnh từ xa nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa, giúp tư vấn khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là không cần phải đến bệnh viện khi không cần thiết, giúp giảm tải cho bệnh viện, tránh lây bệnh.
Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần có nền tảng công nghệ để giúp các cơ quan, tổ chức nhanh chóng đưa các hoạt động của mình lên môi trường số, từ đó phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu của người dân.
Những gì mà chúng ta chứng kiến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy lợi ích rõ ràng của hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Người bệnh vẫn được khám bệnh nhưng chỉ phải tới bệnh viện khi cần thiết; bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhanh chóng và thuận lợi.
Điều đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam rất chủ động, tích cực đồng hành với Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh và cho ra mắt hàng chục ứng dụng phục vụ người dân.
Việc ra mắt ứng dụng hôm nay rất có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong phòng chống dịch bệnh.
Nhân sự kiện này, Thủ tướng cho rằng việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến từ xa thì hiệu quả nhân đôi, nhân ba. Đó là đáp ứng được yêu cầu chống dịch, bảo đảm công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm lượng giấy tờ.
Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh.
Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia để ký ban hành trong tháng 4/2020. Đây là vấn đề quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong mọi mặt xã hội.
Bộ TT&TT chỉ đạo, hiệu triệu doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không ngừng sáng tạo, phát triển nhiều nền tảng chuyển đổi số hơn nữa, phát triển nhiều ứng dụng hơn nữa phục vụ nhân dân.
Thủ tướng đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp tục quyết liệt triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này.
Thủ tướng lưu ý điều quan trọng là phải có các bác sĩ y khoa chuyên môn cao, đồng thời các bác sĩ này cũng phải là kỹ sư tin học, “chứ đây không thể là câu chuyện thực tập bởi sai một ly, đi một dặm”, cho nên, phải chọn người giỏi, thông thạo chuyên môn.
“Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số”, Thủ tướng nói và chúc 14.000 cơ sở y tế tổ chức thành công nền tảng này tại bệnh viện, cơ sở của mình.