Việt Nam tích cực hỗ trợ các quốc gia phòng, chống đại dịch COVID-19
COVID-19 là đại dịch nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh trên toàn cầu và diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Với truyền thống nhân ái, tương trợ, Việt Nam đã có những hỗ trợ tích cực, kịp thời dành cho các nước trong khu vực và trên thế giới trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh toàn cầu, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam
Để hỗ trợ các nước trong khu vực và trên thế giới vượt qua khó khăn ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có những hành động thiết thực, hỗ trợ tích cực nhiều thiết bị, vật tư y tế.
Đây cũng là những gì tốt nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể thu xếp được trong bối cảnh trong nước cũng đang có nhu cầu rất lớn về các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch.
Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đang phải nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19. Chính trong thời điểm khó khăn này, tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn đã bừng sáng lên.
Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với dịch bệnh.
Với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau, Việt Nam đã tặng hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước.
Việt Nam tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm; tặng Myanmar 50.000 USD để cùng chung sức phòng, chống COVID-19.
Những việc này không chỉ thể hiện sự gắn bó và truyền thống tương trợ lẫn nhau giữa hai nước mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết trong ASEAN.
Đối với nhân dân Việt Nam, đoàn kết, hữu nghị với Cuba là mệnh lệnh của trái tim và khối óc. Để chia sẻ phần nào khó khăn mà đất nước Cuba anh em đang ứng phó với đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo.
Hai nước đã luôn hỗ trợ lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trước đó, Lãnh đạo cấp cao và Chính phủ Cuba đã nhanh chóng có quyết định hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Thư cảm ơn Đảng, Nhà nước Cuba.
Tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam sẽ làm hết mình để vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam-Cuba, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Thủ tướng cũng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống COVID-19.
Ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tặng Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ nhân dân Trung Quốc số vật tư y tế trị giá 100.000 USD để phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, căn cứ vào nhu cầu về nước của công dân Trung Quốc tại Việt Nam, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp thực hiện ba chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh-Quảng Châu; Hà Nội-Quảng Châu; Nha Trang-Thành Đô, đưa hành khách Trung Quốc về nước an toàn, chu đáo.
Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở trong nước nhưng Việt Nam, trong khả năng của mình tiếp tục hỗ trợ các nước bạn bè và đối tác đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ Chính phủ các nước Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển… phòng, chống dịch COVID-19.
Số hàng hỗ trợ gồm khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam sản xuất, giúp các nước có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, Văn phòng Nội các Nhật Bản, Văn phòng Nhà Trắng (Hoa Kỳ) mỗi nơi 50.000 khẩu trang y tế.
Cùng với hỗ trợ các nước phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người dân, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán các nước Anh, Italy tại Hà Nội hỗ trợ đưa những công dân Anh, Italy đi du lịch tại Việt Nam và Campuchia bị “mắc kẹt” do ảnh hưởng của dịch COVID-19 về nước trên các chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, trong số đó, một số người mắc COVID-19 đã được Việt Nam điều trị khỏi bệnh.
Đây cũng là chuyến bay vận chuyển quà tặng của Việt Nam gửi tới hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Anh và Italy chống dịch.
Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất biện pháp đẩy lùi đại dịch
Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đạt những kết quả tích cực bước đầu với số lượng người mắc COVID-19 được chữa khỏi bệnh chiếm tỷ lệ cao và đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong, được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Để có được những kết quả đó, ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước ta đã có những chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, kiên quyết nhiều giải pháp phòng, chống dịch ngay từ sớm và áp dụng mức độ cao hơn so với các khuyến cáo của WHO.
Đề cao tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống bệnh dịch toàn cầu, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên có các cuộc điện đàm với các đối tác trên thế giới để cùng chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Điện đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, trao đổi về hợp tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã và đang chủ trì trao đổi, tăng cường phối hợp về phòng, chống dịch giữa các nước ASEAN và ASEAN với các nước đối tác, trong đó có cơ chế ASEAN+3.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Czech Andrej Babis, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven nhằm trao đổi về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 ở mỗi nước, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp hành động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư thăm hỏi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ireland Boris Johnson, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sanchez.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có các cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia.
Qua điện đàm, Việt Nam và các đối tác nhất trí cao về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong đối phó với dịch COVID-19 như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sản xuất vắc-xin, trang thiết bị y tế, bảo hộ công dân, tăng cường khả năng kiểm soát đối với sự lây lan của dịch bệnh; đồng thời khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác ứng phó với đại dịch, cả trên phương diện song phương và đa phương.
Tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch COVID-19 trong khuôn khổ Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ về nỗ lực ứng phó dịch bệnh chủ động, kịp thời của Việt Nam với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên hàng đầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị cao và đồng thuận của xã hội, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các biện pháp cách ly bắt buộc, truy tìm các tiếp xúc, cùng việc mở rộng xét nghiệm và điều trị hiệu quả.
Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là người lao động, người nghèo và dễ bị tổn thương, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đến nay, Việt Nam về cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với dưới 300 ca nhiễm và chưa có ca tử vong.
Chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với đại dịch, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra 4 đề xuất cụ thể.
Một là, tăng cường đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và WHO; tăng cường hiệu quả hoạt động của WHO nhằm đảm bảo khả năng hỗ trợ các nước đang phát triển. Trong khả năng của mình, Việt Nam sẽ đóng góp vào nỗ lực này, sẵn sàng cung cấp các vật tư, thiết bị y tế “Made in Viet Nam.”
Hai là, tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu; bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận vắc xin và thuốc điều trị.
Ba là, kêu gọi dừng các hoạt động ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, nhất là chấm dứt các hành vi cường quyền, đơn phương trái với luật pháp quốc tế; ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về ngừng bắn trên toàn cầu và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt làm suy yếu khả năng ứng phó với đại dịch của các quốc gia.
Bốn là, xây dựng kế hoạch phát triển hậu COVID-19 với trọng tâm là phối hợp chính sách, biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại-đầu tư, ổn định thị trường tài chính và khôi phục niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn và cũng đang phải đối mặt với dịch bệnh, Việt Nam đã làm tất cả những gì tốt nhất có thể để hỗ trợ y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước ở Việt Nam, chữa trị thành công cho nhiều trường hợp mắc COVID-19.
Đây là thông điệp về tình đoàn kết, cam kết và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh hiện nay, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Lào Somdy Duangdy đã đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam; khẳng định đây là sự cổ vũ, động viên tinh thần hết sức lớn lao đối với đội ngũ y, bác sỹ, người dân Lào trong bối cảnh đất nước Lào đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ đại dịch.
Điều này là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Lào-Việt Nam anh em.
Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã gửi thư bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Ngoại trưởng Italy nhấn mạnh, trong thời điểm nhiều thách thức này, tinh thần đoàn kết rộng mở đã được thể hiện ở nhiều cấp độ bởi Chính phủ và các tổ chức xã hội và là minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước.
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam K.Vnukov đánh giá cao sự chuyên nghiệp và các biện pháp ứng phó hiệu quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh, nhiều lần được cộng đồng quốc tế công nhận.
Đại sứ bày tỏ hy vọng, với sự đoàn kết, chung sức chung lòng, các nước sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch và hướng tới tương lai tốt đẹp.
Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Asazuma Shinichi cho rằng món quà là sự động viên tinh thần to lớn, thể hiện tình cảm và sự đoàn kết mà Việt Nam dành cho Nhật Bản.
Nhấn mạnh hình mẫu phòng, chống dịch của Việt Nam được nhiều nước tham khảo, Công sứ khẳng định trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.
Thay mặt Tổng thống Donald Trump và nhân dân Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đánh giá cao công tác ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam; cho rằng món quà là sự động viên tinh thần to lớn và là thông điệp về tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau mà Việt Nam dành cho Hoa Kỳ.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ, nhân dân Việt Nam vì sự giúp đỡ vô cùng ý nghĩa dành cho Thụy Điển trong thời điểm hiện nay.
Đại sứ coi đây là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác chặt chẽ, tin cậy, gắn bó, hiệu quả giữa Việt Nam-Thụy Điển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế.
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng, Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID-19.
Theo ông Jock Hoi, phản ứng mạnh mẽ của ASEAN phần lớn nhờ vào sự lãnh đạo của Việt Nam trong việc khuyến khích tiếp tục đối thoại và hợp tác trong khu vực.
Tổng Thư ký Jock Hoi khẳng định: "Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức từ đại dịch COVID-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau trong tình đoàn kết và sự kiên cường."
Trong cuộc chiến cam go với đại dịch COVID-19, Việt Nam dù đang nỗ lực hết sức chống dịch nhưng vẫn sẻ chia, giúp đỡ các nước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác và sự chân thành, trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, góp phần nâng cao uy tín của đất nước trong cộng đồng quốc tế.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/