|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng đề nghị Nhật cho vay ODA làm đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

20:26 | 16/12/2023
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn Nhật Bản tiếp tục cho vay ODA thế hệ mới để phát triển các dự án chiến lược hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Chiều 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với người đồng cấp Kishida Fumio tại Tokyo, đánh dấu cuộc hội đàm thứ sáu của Thủ tướng hai nước trong 2 năm qua và là lần thứ hai năm nay.

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho các dự án chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế.

Việt Nam đặt mục tiêu khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam năm 2030 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2045. Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.  

Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yen (27,5 tỷ USD). Vốn ODA tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị. Năm 2023, lần đầu tổng giá trị vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vượt 100 tỷ yen (khoảng 674 triệu USD) kể từ năm tài khóa 2017.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hội đàm chiều 16/12, tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Nhật tạo điều kiện đưa doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản trong các lĩnh vực như sản xuất ôtô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may. Ông cũng bày tỏ mong muốn phía Nhật tạo điều kiện thuận lợi, nới lỏng và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản.

Thủ tướng Kishida Fumio cho rằng nguồn nhân lực Việt Nam, gồm nhân lực chất lượng cao và thực tập sinh có kỹ năng là không thể thiếu với phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản.

Phía Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng. Hai nước sẽ hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải thông qua Trung tâm Sáng kiến cộng đồng phát thải ròng bằng 0 ở châu Á (AZEC) do Nhật thành lập.

Nhóm điều phối chung giữa hai chính phủ sẽ được thành lập, để thúc đẩy tiến độ, hiệu quả một số dự án kinh tế đang triển khai, như dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Riêng với các mặt hàng nông sản, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy thủ tục kiểm dịch để mở cửa thị trường với quả bưởi da xanh và nho Nhật Bản.

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam - Nhật Bản ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực.

Hai lãnh đạo chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác ODA giữa hai nước, gồm Công hàm trao đổi khoản vay lần 4 dự án xây dựng đường sắt đô thị TP HCM, đoạn Bến Thành - Suối Tiên; Công hàm trao đổi dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS), và Công hàm trao đổi dự án cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện K, trị giá 42,3 tỷ yen (gần 300 triệu USD).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang trong chuyến công tác tại Nhật dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản cũng như tiến hành các hoạt động song phương ngày 15-18/12.

2023 là năm Việt - Nhật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 11. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại.   

Hoài Thu