Thủ tướng chỉ ra những bất cập trong nông nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp cử tri tại Hải Phòng. Ảnh Chinhphu.vn. |
Hạn điền quá nhỏ là một trong những bất cập trên. “Cả nước có 17,5 triệu mảnh ruộng thì làm sao sản xuất lớn được” Thủ tướng nói khi trả lời những vấn đề mà cử tri Nguyễn Trí Thăng nêu liên quan đến các chính sách phát triển nông nghiệp.
Cũng theo Thủ tướng, vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam rất lớn, do chính sách còn bất cập. Khoa học công nghiệp chậm được áp dụng; thị trường tiêu thụ còn bấp bênh và thời gian qua có tới 8 - 9 sản phẩm gặp tình trạng “được mùa rớt giá”, “được giá, mất mùa” mà điển hình gần đây là thịt heo.
“Những tồn tại này sẽ tiếp tục được quan tâm khắc phục. Chúng tôi đã có chương trình xây dựng nông nghiệp bài bản, quyết liệt, trong quy hoạch, điều hành, chính sách, thu hút đầu tư, đưa công nghệ cao vào nông nghiệp…”, Thủ tướng nói.
Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra chiều 19-6 tại trụ sở Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng thủ tục nhiêu khê và việc thiếu chính sách hỗ trợ đang ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, theo chinhphu.vn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, người chủ trì hội thảo trên, cho biết tính đến tháng 9-2016, Việt Nam chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng doanh nghiệp cả nước. Nghị định 210 sau 3 năm thực hiện chỉ hỗ trợ được 64 dự án với số vốn rất nhỏ và tác dụng rất hạn chế.
Đưa ra con số ngân sách năm 2015 hỗ trợ thí điểm được 200 tỉ đồng cho 40 dự án của 21 địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng còn năm 2016 ngân sách chỉ bố trí được 185 tỉ đồng làm nguồn vốn thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 210, Phó Thủ tướng cho rằng số tiền trên còn quá nhỏ và hầu như không giải quyết được gì, trong khi thủ tục còn lắm nhiêu khê. “Thực tế, nhiều doanh nghiệp rất nản lòng khi làm các thủ tục này”, Phó Thủ tướng nói.
Tại buổi gặp với Thủ tướng, các hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng cũng đề nghị “giải quyết nhanh, dứt điểm các vụ việc tham nhũng, đừng để lâu rồi người tẩu tán đi hết”, việc quản lý cán bộ đảng viên còn nhiều sơ hở, nhất là nơi có vụ việc nghiêm trọng.
Thủ tướng khẳng định chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đang thực hiện hết sức nghiêm túc và số tài sản thu hồi những năm gần đây đã cao hơn trước rất nhiều.
Thủ tướng nhấn mạnh biện pháp tăng cường quản lý cán bộ đảng viên, kiểm tra, điều tra xử lý những trường hợp sai phạm, không để tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”. Thực hiện cơ chế động viên, bảo vệ, khen thưởng người phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Trước ý kiến cử tri về công tác quy hoạch đô thị, Thủ tướng nhất trí việc quy hoạch phát triển đô thị phải tốt hơn. “Nhưng không có chuyện Hà Nội mở rộng đến Thái Nguyên, Hòa Bình. Tôi hôm qua có phát biểu tại Hà Nội rằng Hà Nội phải làm tốt hơn công tác quản lý đô thị, để xứng đáng là Thủ đô của cả nước”, Thủ tướng cho biết.
Cử tri Nguyễn Văn Điền đánh giá cao nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp mà Thủ tướng là người khởi xướng và tiên phong. Nhưng ông Điền cho rằng sự chuyển động ở cấp cơ sở còn chậm và nêu ra một số vấn đề như việc cấp phép lưu hành ca khúc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; việc đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 không bảo đảm chất lượng, nhiều tàu đắp chiếu, không sử dụng được.
Thủ tướng khẳng định việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doan nghiệp không phải chỉ nói bằng miệng mà phải hành động; không phải là chỉ ở Trung ương mà cả ở địa phương, nhất là các cấp chính quyền cơ sở.
“Muốn hành động phải làm thế nào, muốn quyết liệt phải làm thế nào? Chúng tôi đồng ý là phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc ở các cấp, các ngành về việc này. Thứ hai là phải xử lý nghiêm minh những cán bộ, tổ chức sai phạm, làm ảnh hưởng đến chủ trương này. Thứ ba, phải tăng cường công khai minh bạch chủ trương, chính sách để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát”, ông nói.
Về đóng tàu vỏ thép, việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu là chủ trương đúng nhưng trước thực trạng tàu hư hỏng nhanh thì “chúng tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm”, Thủ tướng nói.
Về vấn đề bỏ biên chế với giáo viên, Thủ tướng cho biết, một số trường đại học, cơ sở giáo dục có đề án, chương trình tự trang trải được kinh phí thì ký hợp đồng với giáo viên, còn nếu áp dụng hình thức này cả với giáo viên vùng sâu, vùng xa, cả đời gắn bó với nghề giáo thì không ổn. Thủ tướng khẳng định: “Chưa có chủ trương đó. Mọi nhà giáo yên tâm”.