|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng chỉ đạo rà soát chặt chẽ việc lập các hãng hàng không mới

22:02 | 17/04/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành hàng không gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới phải làm sao đảm bảo tốt nhất quản lí nhà nước về hàng không.
Thủ tướng chỉ đạo rà soát chặt chẽ việc lập các hãng hàng không mới - Ảnh 1.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Y Vân.

Hôm nay 17/4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.

Theo văn bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới, làm sao đảm bảo tốt nhất quản lí nhà nước về hàng không, phát triển bền vững; báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, quyết định.

Theo Báo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh, đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều. 

Mục tiêu của dự án là xây dựng một hãng hàng không mới, chi phí thấp để kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa được đầu tư phát triển.

Dự án có số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm. Dự kiến đến năm thức 6 sẽ có 25 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Airbus 320/321 hoặc tương đương. 

Tổng vốn đầu tư của Dự án Kite Air là 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỉ đồng, chiếm 18% tổng vốn đầu tư, vốn vay 4.500 tỉ đồng, chiếm 82% còn lại. Địa điểm thực hiện dự án là cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Việt Nam hiện nay có 5 hãng hàng không thương mại đang hoạt động, non trẻ nhất là Bamboo Airways – được Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 9/7/2018 và được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép Kinh doanh Vận chuyển hàng không ngày 12/11/2018.

Các hãng còn lại bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và Vasco.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, các hãng hàng không Việt Nam đã dừng hoàn toàn hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế, ngoại trừ các chuyến bay nhân đạo được cấp phép đặc biệt.

Với các đường bay trong nước, từ 17/4 đến 22/4, các hãng hàng không được khai thác tối đa tổng cộng 6 chuyến khứ hồi/ngày với chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, 2 chuyến khứ hồi/ngày với chặng Hà Nội – Đà Nẵng và 2 chuyến khứ hồi/ngày với chặng TP HCM – Đà Nẵng.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành mới đây cho biết sau hai tuần giãn cách xã hội trên toàn quốc, lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn khoảng 2 - 5% năng lực.

Bản thân Vietnam Airlines trong năm 2020 dự kiến giảm khoảng 50.000 tỉ đồng, tức giảm 65% so với kế hoạch. Trong đội bay 106 chiếc thì có tới gần 100 chiếc phải nằm đất vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới hoạt động hàng không. Một nửa số lao động của Vietnam Airlines phải ngừng việc.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính các hãng hàng không trên toàn thế giới sẽ mất khoảng 314 tỉ USD doanh thu vì COVID-19, chưa kể nhiều chi phí phát sinh khác như bảo dưỡng, đậu đỗ tàu bay ...

Y Vân