Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu việc nhiều địa phương điều chỉnh bảng giá đất
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến phản ánh nhiều địa phương đang điều chỉnh bảng giá đất, việc tăng bảng giá đất làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp đang thuê đất.
Cụ thể, theo phản ánh của báo chí, trước việc nhiều địa phương đang điều chỉnh Bảng giá đất, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh cần cân nhắc để doanh nghiệp phục hồi, phát triển để thu lâu dài.
Việc tăng bảng giá đất làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp đang thuê đất. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần sự tiếp sức của Nhà nước, vì vậy không nên tăng giá đất.
Về phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đánh giá và xử lý.
Theo tìm hiểu, đến nay đã có nhiều địa phương thông qua bảng giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024. Trong đó, tại Hà Nội, bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 có mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019.
Cụ thể, giá đất ở đô thị trong nội thành cao nhất thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ) cao nhất là gần 188 triệu đồng/m2; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông hơn 4,5 triệu đồng/m2.
Tại bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 đã thông qua, giá đất trên địa bàn TP HCM về cơ bản vẫn giữ nguyên mức giá so với giai đoạn 2016 – 2019 trước đó.
Giá đất ở đô thị cao nhất của thành phố là 162 triệu đồng/m2 như ở đường Nguyễn Huệ; giá đất đường Lê Thánh Tôn từ 110 – 115 triệu đồng/m2; đường Lê Duẩn là 110 triệu đồng/m2; đường Hàm Nghi, Lý Tự Trọng là 101,2 triệu đồng…
Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế, bảng giá đất mới được điều chỉnh sẽ bổ sung thêm gần 400 tuyến đường, đoạn đường tại các quận huyện, bên cạnh đó cũng loại bỏ hơn 260 tuyến đường.
Tương đương với mức tăng của Thừa Thiên Huế, bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 của tỉnh Đồng Nai được điều chỉnh tăng từ 30 - 35%, thậm chí ở một số khu vực giá đất sẽ cao hơn 4 - 6 lần.
Theo đó, giá đất ở cao nhất là 40 triệu đồng/m2 của đường 30-4 (TP Biên Hòa) và thấp nhất 160 nghìn đồng/m2 thuộc thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, bảng giá đất mới được điều chỉnh tăng từ 10 - 50% so với bảng giá đất cũ. Đối với đất ở đô thị, tùy khu vực sẽ điều chỉnh tăng 1 - 2 lần. Riêng với đất ở khu vực đô thị và nông thôn tại huyện Côn Đảo, Đất Đỏ được điều chỉnh tăng 1,2 - 1,8 lần.
Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 tại Bình Dương tăng bình quân 18%. Trong đó một số tuyến đường thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một có giá đất cao nhất 37,8 triệu đồng/m2.
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã có quyết định ban hành bảng giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2024.
Cụ thể, bảng giá đất mới có mức tăng đột biến tại nhiều khu vực với 100 - 300%, thậm chí có những khu vực tăng đến 500% so với bảng giá đất giai đoạn 2015 - 2019 và quyết định số 5 ban hành ngày 22/2/2019 sửa đổi, bổ sung Bảng giá đất giai đoạn 2015 - 2019.
Trước đó, tháng 12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96 quy định về khung giá đất đối với nhóm đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Khung giá đất này được sử dụng làm căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh không cao hơn quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Đối với đất ở đô thị, khu vực có giá cao nhất 162 triệu đồng/m2 là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.