Hoài Đức, Đông Anh,... còn thiếu tiêu chí lên quận, giá đất đã tăng mạnh
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Đức công tác xây dựng nông thôn mới và tiến độ thực hiện Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận.
Theo đó, đối với Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận, hệ thống kết cấu hạ tầng khung của huyện đến nay đang hình thành. Kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch.
Ngoài ra, huyện đã tập trung vào công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để triển khai một số dự án hạ tầng khung như: Xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung (đường vành đai 3.5, đê Tá Đáy và 6 tuyến đường chính khu vực theo quy hoạch phân khu đô thị) với chiều dài 40,52 km; xây dựng 9 tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16 km,...
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng mới 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành một số trường học mới cũng như nâng cấp cải tạo 103 dự án trường học; xây dựng mới 22 khu cây xanh, vườn hoa, chỉnh trang 51 ao hồ tạo cảnh quan đô thị; 100% các xã, thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dẫn sử dụng nước sạch đạt 90%,....
Đến nay, Hoài Đức đã đạt 22/27 tiêu chí để trở thành quận. Còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu chi ngân sách; mật độ đường giao thông đô thị; đất cây xanh công cộng; cơ sở y tế cấp đô thị và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Hoài Đức đã đề nghị TP Hà Nội cho phép nghiên cứu các dự án giao thông khung như đường Vành đai 4, tuyến đường liên khu vực 2 từ QL 32 đến Đại lộ Thăng Long, trục Bắc Nam TD6 của huyện,...
Theo tìm hiểu, tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Cụ thể, huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020, 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ thành quận vào năm 2025.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung cho biết, huyện này sẽ lùi thời gian lên quận trong năm nay vì còn thiếu một số tiêu chí. Thay vào đó, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu còn thiếu để sớm lên quận vào năm 2022.
Đối với Đông Anh, huyện này cũng đang phấn đấu lên quận vào năm 2023. Tuy nhiện, huyện còn 8 tiêu chí chưa đạt để lên quận. Trong đó, đa phần là do vướng về cơ chế, đơn cử như chỉ tiêu cân đối ngân sách, xử lý nước thải,...
Đối với Thanh Trì, huyện còn ba tiêu chí chưa đạt để phát triển lên quận, đó là tỷ lệ cây xanh đô thị, hạ tầng giao thông và tự cân đối ngân sách. Phấn đấu đến năm 2023 hoặc chậm nhất là năm 2024, huyện Thanh Trì phát triển lên quận.
Thực tế, trong khoảng hai năm trở lại đây, thông tin nâng cấp 4 huyện vùng ven lên quận đã khiến thị trường bất động sản ven đô nổi sóng. Từ năm 2018 đến nay, đặc biệt là thời điểm đầu năm 2019, cơn sốt đất tại các huyện như Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì đã đẩy giá đất đã tăng mạnh.
Theo khảo sát của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức,… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50% so với năm 2019. Các khu vực như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2019.
Ngoài ra, thông tin lên quận và đầu tư các dự án đã làm sốt đất bùng phát ở một số vùng như Hòa lạc, Tây sơn, Thạch thất, Hoài Đức, Đông Anh,…. Tuy nhiên, ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2020, hiện tượng trên đã lắng xuống.