|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đất đấu giá thị trấn Đông Anh cháy hàng, giá trên 80 triệu đồng/m2

07:47 | 18/03/2021
Chia sẻ
Theo khảo sát, trung bình đất đấu giá tại huyện Đông Anh hiện đang dao động 35 - 70 triệu đồng/m2. Tại khu vực trung tâm thị trấn Đông Anh, đất đấu giá ở ngưỡng 80 - 100 triệu đồng/m2.

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030, các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng của TP Hà Nội thành lập quận.

Khoảng hai năm trở lại, thông tin nâng cấp các huyện vùng ven lên quận đã khiến thị trường bất động sản ven đô nổi sóng, trong đó có thị trường đất đấu giá.

Theo Nghị quyết số 21 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2021 được HĐND TP Hà Nội phê duyệt, Đông Anh là huyện có diện tích đất thu hồi lớn nhất Hà Nội.

Trong đó, nhiều khu đất thu hồi, đấu giá được dùng để xây dựng hạ tầng tại các xã Thụy Lâm, Kim Chung, Kim Nỗ, Nguyên Khê,... và nhiều tuyến đường giao thông khác.

Đất đấu giá thị trấn Đông Anh cháy hàng, giá trên 80 triệu đồng/m2 - Ảnh 1.

Khu đất đấu giá Vườn Đào, phía Bắc sông Thiếp (xã Uy Nỗ) cũng có mức giá 71,5 - 72 triệu đồng/m2. (Ảnh: Hà Lê).

Đất đấu giá thị trấn Đông Anh cháy hàng

Trao đổi với chúng tôi, nhân viên sàn môi giới Đ.A Land cho biết, đất đấu giá vị trí đẹp tại Đông Anh hiện đang dao động trong khoảng 35 - 70 triệu đồng/m2. Tài chính 2,5 - 3 tỷ đồng có thể mua đất đấu giá ven trục Nhật Tân - Nội Bài. Nếu muốn rẻ hơn thì phải đi xa khu vực trung tâm. 

Trung bình, giá khởi điểm của các khu đất đấu giá tại Đông Anh rơi vào khoảng 25 triệu đồng/m2. Như vậy, giá bán cuối cùng của các khu đất này có sự chênh lệch tương đối lớn.

Theo khảo sát của người viết, một khu đất đấu giá như khu X3, xã Uy Nỗ, diện tích 60 - 95 - 161 - 204 m2 có giá khởi điểm dao động 20 - 35 triệu đồng/m2. Tại khu đất X1, thôn Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, đất đấu giá có mức khởi điểm 25 - 32 triệu đồng/m2, diện tích 61 - 111 m2.

Đất đấu giá xã Hải Bối thậm chí có mức khởi điểm cao hơn nhiều. Tại khu đất X2, thôn Đồng Nhân, giá khởi điểm là 30 - 45 triệu đồng/m2, diện tích 86 - 115 m2. Tại xã Việt Hùng, khu đất đấu giá X1 có giá khởi điểm 29,5 - 41 triệu đồng/m2.

Cá biệt, tại thị trấn Đông Anh, đất đấu giá ở mức cao ngất ngưởng. Giá đất sau khi đã đấu giá dao động 80 - 100 triệu đồng/m2. 

Song, nhân viên môi giới cho biết: "Đất đấu giá tại thị trấn Đông Anh hiện không còn hàng để bán. Khu đất đấu giá Vườn Đào, phía Bắc sông Thiếp (xã Uy Nỗ) cũng có mức giá trên trời, 71,5 - 72 triệu đồng/m2".

Ở một số khu vực xa thị trấn Đông Anh, đất đấu giá có vẻ "dễ thở" hơn. Tại khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, giá khởi điểm 18,2 triệu đồng/m2; đất đấu giá thôn Du Nội, xã Mai Lâm khởi điểm 18 triệu đồng/m2. 

Khu đất đấu giá gần Công viên phần mềm Vintech tại xã Nguyên Khê. (Ảnh: Hà Lê).

Theo giới thiệu của nhân viên môi giới, chúng tôi tìm đến khu đất đấu giá sát dự án Công viên phần mềm Vintech của Vingroup tại thôn Đồng, xã Nguyên Khê để mục sở thị. Khu đất nằm gần đường Võ Nguyên Giáp (trục Nhật Tân - Nội Bài) ở phía Tây, phía Nam giáp dự án của Vingroup. 

Về hiện trạng, khu đất này đã được phân lô. Bên cạnh khu dân cư hiện có, hạ tầng quanh khu đất đang dần được hình thành. Nhìn từ trên bản đồ, có thể thấy một tuyến đường quy hoạch lớn gần khu đất đang được xây dựng. Theo quy hoạch, tuyến đường này sẽ kéo dài ra đến đường quốc lộ 3.

Mặc dù cách trung tâm thị trấn Đông Anh khoảng 3 km, giá rao bán của khu đất này cũng không hề rẻ, dao động 37 - 40 triệu đồng/m2. 

Đông Anh - dư địa tiềm năng còn lớn

Xét về mặt bằng chung, trong số 5 huyện chuẩn bị lên quận, có thể nói Đông Anh là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao vượt trội so với phần còn lại. Diện mạo của huyện này thay đổi rõ rệt qua từng năm.

Về hạ tầng, Đông Anh có ba cây cầu lớn hiện hữu, gồm cầu Đông Trù đồng bộ với tuyến đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân kết nối quận Tây Hồ với trục đường Võ Nguyên Giáp đi Nội Bài; cầu Thăng Long kết nối với quận Bắc Từ Liêm, đồng bộ với tuyến vành đai 3 của Hà Nội. 

Trong năm 2020, Hà Nội đã duyệt phương án thiết kế cầu Tứ Liên kết nối xã Đông Hội, Đông Anh với phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. 

Tại đồ án quy hoạch phân khu GN(A) đã được phê duyệt, cầu Tứ Liên nằm trên trục không gian văn hóa Cổ Loa - Hồ Tây, đồng bộ với Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia - dự án trọng điểm nằm trên trục nói trên.

Đất đấu giá thị trấn Đông Anh cháy hàng, giá trên 80 triệu đồng/m2 - Ảnh 3.

Thị trấn Đông Anh. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đông Anh được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại giao dịch quốc tế; trung tâm du lịch sinh thái và thể thao, vui chơi giải trí,...

Sắp tới, loạt dự án bất động sản sẽ được triển khai xây dựng tại Đông Anh như dự án Thành phố thông minh 4 tỷ USD, Công viên phần mền Vintech, Công viên Kim Quy,... Vinhomes dự kiến cũng sẽ ra mắt dự án tại xã Cổ Loa với diện tích 385 ha.

Về quy hoạch giao thông, nhìn chung các tuyến đường của Đông Anh đều được cải tạo và mở rộng. Chẳng hạn tuyến đường từ thị trấn Đông Anh đi qua khu vực trung tâm xã sẽ được mở rộng trên cơ sở đường liên xã hiện có.

Hay như tuyến đường dọc mương Mạnh Tân đi xã Liên Hà và tỉnh Bắc Ninh sẽ được nghiên cứu xây dựng hai tuyến đường có mặt cắt ngang 11,5 - 24 m.

Hoàng Huy

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.