|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thủ tướng Anh thăm Trung Quốc tìm cơ hội hậu Brexit

16:21 | 31/01/2018
Chia sẻ
Ngày 30/1, Thủ tướng Anh Theresa May bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước khi nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh Châu Âu.
thu tuong anh tham trung quoc tim co hoi hau brexit Thủ tướng Anh sẽ theo đuổi một 'thỏa thuận đặc thù' với EU
thu tuong anh tham trung quoc tim co hoi hau brexit Giới quan chức và chuyên gia cảnh báo rủi ro kinh tế đối với Anh và EU hậu Brexit

50 lãnh đạo doanh nghiệp đã tháp tùng Thủ tướng Anh Theresa May trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc dài ba ngày. Bà May sẽ dừng chân tại thành phố Vũ Hán, trước khi đến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải.

thu tuong anh tham trung quoc tim co hoi hau brexit
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn: PA Archive/PA Images.

Năm 2016, xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh, vì thế tiềm năng xuất khẩu vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn rất lớn.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cường điệu hóa lợi ích của một mối quan hệ mật thiết hơn với Anh sau Brexit. “Việc nâng cấp quan hệ Trung – Anh và đảm bảo các dự án đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp hạn chế thiệt hại mà nước Anh dự kiến sẽ đối mặt trong thời gian tới”, tờ China Daily nêu quan điểm trong một bài bình luận về việc “tái khởi động” quan hệ Trung – Anh.

Cũng theo bài bình luận trên, doanh nghiệp Anh sẽ hưởng lợi xứng đáng nhờ quy mô toàn cầu của Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong một buổi họp báo vào ngày 30/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết Sáng kiến Vành đai và Con đường là một “nền tảng hợp tác toàn diện và rộng mở”, đồng thời cả Anh và Trung Quốc có thể hợp tác trong dự án trên theo hướng “có lợi cho cả đôi bên”.

Vai trò của Anh trong Sáng kiến Vành đai và Con đường

Về phía Trung Quốc, các lãnh đạo nước này cũng muốn nhận được sự ủng hộ của Anh với Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất.

Theo Reuters, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng dự án này có nhiều tiềm năng nhưng phải được tiến hành một cách hợp lý. “Tôi muốn thấy rằng sự minh bạch và các chuẩn mực quốc tế phải được tuân thủ triệt để và tôi sẽ thảo luận điều này với phía Trung Quốc”, bà May cho biết.

Financial Times cho biết người phát ngôn văn phòng thủ tướng từ chối đưa ra bình luận liệu bà May có ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường hay không.

Thái độ im lặng của Anh về dự án này bắt nguồn từ quan ngại của phương Tây về sự thống lĩnh của doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng gia tăng trên toàn cầu, ông Rajiv Biswas, trưởng chuyên gia kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại HIS Markit, cho biết.

Sáng kiến Vành đai và Con đường có mục đích kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Âu, Trung Đông và cả châu Phi với mạng lưới giao thông và hậu cần rộng lớn, gồm hệ thống đường bộ, cảng biển, đường sắt, ống dẫn dầu, sân bay, lưới điện xuyên quốc gia và các tuyến cáp quang. Dự án này thu hút 65 quốc gia, chiếm khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu và 60% dân số thế giới, theo Oxford Economics.

Sự dè dặt của Thủ tướng Anh Theresa May về Sáng kiến Vành đai và Con đường trở nên rõ ràng hơn từ khi Trung Quốc khai trương tuyến đường sắt chở hàng đến Anh hồi năm ngoái. Hành trình dài 18 ngày này bắt đầu từ thành phố Nghĩa Ô, phía đông tỉnh Chiết Giang và kết thúc tại thị trấn Barking tại London.

Trao đổi với CNBC, ông Nicholas Holt, trưởng nhóm nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại công ty bất động sản Knight Frank, cho rằng với tuyến đường sắt này, có thể xem nước Anh là điểm cuối của dự án Vành đai và Con đường.

Trung Quốc đã gửi một phái đoàn ngoại giao đến Anh để xây dựng “Kỷ nguyên Vàng” trong quan hệ hai nước trước thềm chuyến thăm của bà May nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nước Anh về dự án tham vọng này.

Quan hệ Trung – Anh bắt đầu lạnh nhạt sau khi chính phủ Thủ tướng Theresa May ra lệnh xem xét lại việc đầu tư của một doanh nghiệp Trung Quốc vào nhà máy điện hạt nhân tại Anh vào năm 2016.

Trường Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.