|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thứ trưởng Văn hóa: Hãng phim có 'đất vàng' nhưng không được định giá

15:02 | 21/09/2017
Chia sẻ
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định dư luận cho rằng Bộ Văn hóa bán hãng phim hơn 30 tỷ, trong khi trị giá hơn 2.000 tỷ, là không đúng. 

Sáng 21/9, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã thông tin với báo chí xung quanh việc cổ phần hóa ở hãng phim truyện Việt Nam gây phản ứng với các nghệ sỹ.

"Loại hình phim ảnh rất phức tạp, liên quan đến di sản nên chúng tôi khá lúng túng khi cổ phần hóa loại hình này. Chúng tôi phải đắn đo nhiều nên chưa vội cổ phần hóa", Thứ trưởng Ái nói, và cho biết chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp của Bộ từ năm 2006 với hơn 33 doanh nghiệp được sắp xếp giải thể và cổ phần, trong đó có hãng phim truyện Việt Nam, chỉ trừ hãng phim tài liệu. Cho đến năm 2010, hãng phim truyện mới chuyển sang Công ty TNHH một thành viên theo Luật quy định, sau đó Chính phủ yêu cầu tiếp tục cổ phần hóa. Thời điểm đó doanh nghiệp rất khó khăn khi thua lỗ gần 20 năm, nợ tiền thuê đất 21 tỷ đồng. Khi cổ phần hóa thì phải xử lý phần lỗ này, và sẽ do nhà đầu tư trả.

Theo Thứ trưởng Ái, xử lý phần nợ 21 tỷ tiền thuê đất rất khó khăn. Bộ đã gửi nhiều công văn đến TP Hà Nội "yêu cầu không siết nợ hãng phim".

Đến năm 2013, Bộ Văn hóa bắt đầu tiến hành cổ phần hóa hãng phim với kế hoạch hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay hãng phim cũng chưa xong cổ phần hóa do phải xác định giá trị tài sản lần 2. Vì trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều tài sản chưa thể đưa vào hết giá trị doanh nghiệp nên còn phải xin ý kiến các ngành liên quan, dự kiến đến giữa năm sau mới hoàn tất. Phần vốn nhà nước tại hãng phim hiện nay là 28,8%.

"Vừa qua dư luận nói rằng Bộ bán hãng phim có hơn 30 tỷ, trong khi trị giá hơn 2.000 tỷ đồng là không đúng. Đúng là có vị trí 'đất vàng' thật, song không được định giá", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.

thu truong van hoa hang phim co dat vang nhung khong duoc dinh gia
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trả lời báo chí xung quanh cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam sáng 21/9. Ảnh: Đ.Loan

Khi cổ phần hóa, Bộ Văn hóa đã lấy ý kiến của nhiều cơ quan như Cục quản lý công sản Bộ Tài chính. Cơ quan này xác định đất thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ mời hai đơn vị tư vấn được Bộ Tài chính chấp thuận để tính toán giá đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đề cập việc giá trị thương hiệu của hãng phim được xác định 0 đồng, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, dư luận và các nghệ sỹ lo ngại hãng phim mất đi thương hiệu sau 60 năm, lãnh đạo Bộ Văn hóa cũng rất trăn trở nên phải nghiên cứu kỹ. Việc xác định giá trị thương hiệu đã được thực hiện theo đúng quy định khi cổ phần hóa. Đơn vị tư vấn xác định giá trị thương hiệu theo Nghị định 59 gồm chi phí quảng cáo, đào tạo... khi doanh nghiệp không lỗ trong 5 năm.

Với giá trị lịch sử truyền thống, lịch sử của hãng phim, Bộ Văn hóa đã đề nghị Bộ Khoa học công nghệ (cơ quan sở hữu trí tuệ) và Bộ Tài chính xác định thêm yếu tố này, thì đến nay hai bộ chưa tính được, nên chưa thể đưa vào giá trị doanh nghiệp.

"Giá trị thương hiệu, chủ quyền khai thác, sở hữu của các bộ phim thuộc về Nhà nước do Nhà nước đặt hàng. Còn các ý về nhân thân chủ quyền của các tác giả đang được Bộ Văn hóa, Tài chính nghiên cứu theo thông lệ quốc tế về thương hiệu", đại diện Ban đổi mới doanh nghiệp, Bộ Văn hóa thông tin thêm.

Với các bước cổ phần hóa, Thứ trưởng Ái khẳng định: "Bộ đang thực hiện đúng quy định hiện hành".

Trước lo ngại nhà đầu tư sử dụng đất sai mục đích sau khi cổ phần hóa, lãnh đạo Bộ Văn hóa khẳng định, hãng phim sử dụng đất thế nào phải phù hợp với phương án cổ phần hóa. Nhà đầu tư phải trình phương án sử dụng đất với thành phố, theo đúng phương án quy hoạch, cổ phần hóa thì mới được sử dụng đất. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, bị thu hồi hoặc đưa ra tòa. Người đại diện phần vốn ở hãng phim sẽ giám sát thường xuyên

"Đất của hãng phim, không phải muốn làm gì thì làm. Nhà đầu tư phải đưa ra phương án sử dụng đất, như Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đông Anh làm gì? Chúng tôi cũng mong muốn các nghệ sỹ cùng giám sát với cơ quan nhà nước việc thực hiện của nhà đầu tư có đúng không. Chúng ta có trách nhiệm giám sát điều lệ, cam kết của nhà đầu tư", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.

Trả lời về nguyên nhân chọn nhà đầu tư là Tổng công ty Vận tải thủy - đơn vị không có chuyên môn về phim ảnh và đang thua lỗ, đại diện Bộ Văn hóa cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư có thể từ một đến ba nhà đầu tư chiến lược. Bộ sẽ giám sát nhà đầu tư hoạt động trong 5 năm đầu tại hãng phim, sau đó, nếu Nhà nước tiếp tục có phần vốn thì Bộ Văn hóa sẽ tiếp tục giám sát theo phần vốn. Còn việc hoạt động kinh doanh hiện tại của nhà đầu tư có thua lỗ hay không thì Bộ Văn hóa không giám sát.

Trả lời về việc bán cổ phần hãng phim có dựa trên đề án hoạt động của hãng phim trong thời gian tới hay không, Thứ trưởng Ái thông tin, trong phương án điều lệ của hãng đã công khai xác định hướng sản xuất phim trong các năm tới.

Nhà đầu tư cũng hứa thực hiện đúng, cố gắng đến cuối năm sản xuất được một bộ phim, năm sau sản xuất hai phim.

Còn năm nay doanh nghiệp sẽ tập trung nâng cấp sửa chữa trụ sở 4 Thụy Khuê và hoàn chỉnh thủ tục đất đai theo giá mới.

"Chúng tôi mong muốn nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết. Hôm qua Bộ trưởng đã yêu cầu nhà đầu tư công khai minh bạch cách điều hành trong đường hướng phát triển. Chúng ta phải cùng nhau thực hiện, giữ thương hiệu của hãng phim gần 60 năm", Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.

Trước mắt, công ty cổ phần sẽ trả lương các nghệ sỹ trong tháng 7, 8, 9 như tháng 6 trước khi cổ phẩn, sau đó tính toán trả lương theo điều lệ công ty. Nhà đầu tư đã cam kết đầu tư trong năm nay để có một sản phẩm có giá trị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hãng phim.

Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định, hãng phim truyện Việt Nam có truyền thống lịch sử, là cái nôi của ngành điện ảnh, đã sản xuất ra hàng trăm tác phẩm kinh điển có giá trị nghệ thuật. Do đó, Bộ Văn hóa không lơ là việc quản lý. "Mới qua 2 tháng cổ phần hóa thì chúng ta chưa thể biết được đường hướng phát triển của hãng phim. Nhà đầu tư chiến lược đã nhận khuyết điểm xung quanh sắp xếp chỗ làm việc của hãng phim và hứa với Bộ sẽ xử lý dứt điểm", Thứ trưởng Ái khẳng định.

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.

Năm 2015, sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, VFS nhận được chủ trương cổ phần hóa. Trước khi được chuyển thành công ty cổ phần, toàn bộ tài sản của VFS được định giá gần 20 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thương hiệu và hàng nghìn mét vuông đất ở vị trí đắc địa mà đơn vị này đang quản lý, đều được định giá bằng 0 đồng do là đất thuê, đất giao của nhà nước và do thua lỗ lâu năm.

Mới đây, các nghệ sỹ lần nữa lên tiếng việc nhà đầu tư không có định hướng làm phim và quan tâm đời sống của cán bộ nghệ sỹ. Trong đơn gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam, tập thể văn nghệ sỹ VFS trình bày: “Ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của VFS theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập. Do vậy, sự định giá thương hiệu và đất đai của VFS bằng 0 là điều bất bình thường.

thu truong van hoa hang phim co dat vang nhung khong duoc dinh gia Rà soát lại việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam

Chính phủ sẽ cho rà soát lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam khi việc cổ phần hóa ở đây cho ...

thu truong van hoa hang phim co dat vang nhung khong duoc dinh gia Đại gia đứng sau thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam là ai?

Ông chủ thực sự tại VFS không phải là công ty vận tải thủy Vivaso mà lại là công ty chuyên về bất động sản, ...

thu truong van hoa hang phim co dat vang nhung khong duoc dinh gia Khi cổ phần hoá hãng phim lại không vì phát triển điện ảnh

Khi quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh, một công ty “sản xuất nghệ thuật” như Hãng Phim truyện ...

Đoàn Loan

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.