|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thứ trưởng Tài chính Malaysia: Tiền ảo không thích hợp để thanh toán hay lưu trữ

16:43 | 06/03/2022
Chia sẻ
Trong tuyên bố chính thức của mình về bitcoin và tiền ảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia cho rằng các đồng tiền điện tử nói chung không thích hợp làm phương tiện thanh toán hoặc lưu trữ giá trị.

Theo Bitcoin News, tiền kỹ thuật số không được công nhận là một loại tiền tệ chính thức ở Malaysia, tuy nhiên, quan chức Bộ Tài chính nước này cho rằng tiền ảo có thể được xem là một loại tài sản tiềm năng để đầu tư. 

Về quan điểm cá nhân, Thứ trưởng Tài chính Malaysia nhận định rằng tiền điện tử, chẳng hạn như bitcoin và ethereum đều có vẻ như không thích hợp làm phương tiện thanh toán hoặc để lưu trữ như một tài sản an toàn.

Quan điểm của Bộ Tài chính Malaysia về tiền ảo

Vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Yamani Hafez Musa đã nói về tiền ảo để giải đáp thắc mắc của nghị sĩ quốc hội Nurul Izzah Anwar tại phiên họp quốc hội. The Star đưa tin rằng trước đó, nghị sĩ Nurul Izzah Anwar đã hỏi về vai trò của chính phủ nước này trong việc giám sát và điều tiết tiền điện tử.

Thứ trưởng Tài chính Malaysia: Tiền ảo không thích hợp để thanh toán hay lưu trữ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Yamani Hafez Musa phát biểu về tiền ảo. (Nguồn: Bitcoin News)

Thứ trưởng Tài chính Malaysia đã nhấn mạnh một thực tế rằng, ở hiện tại và có thể trong tương lai, tiền ảo cũng sẽ không phải là một công cụ thanh toán được quản lý bởi ngân hàng trung ương Bank Negara Malaysia. Ông khẳng định: "Các tài sản kỹ thuật số như bitcoin và ethereum không thích hợp để sử dụng làm công cụ thanh toán… Nói chung, tài sản kỹ thuật số không phải là nơi lưu trữ giá trị và là phương tiện trao đổi tốt".

Quan chức Bộ Tài chính Malaysia nói thêm: "Thực tế này là do trạng thái của tài sản kỹ thuật số dễ biến động do các khoản đầu tư mang tính đầu cơ". Một nguyên nhân khác được kể đến là tiền ảo không thích hợp làm phương tiện thanh toán vì chúng "không thể hiện các đặc điểm của tiền".

Bên cạnh đó, ông Yamani Hafez Musa cũng đã tiến hành thảo luận về một số vấn đề khác với tiền ảo mà ông nhận thấy, chẳng hạn như xu hướng biến động quá mạnh, nguy cơ trộm cắp, tấn công mạng và khó có khả năng xử lý nhiều giao dịch như hệ thống thanh toán Visa hiện tại.

Hơn nữa, ông còn nêu ra những lo ngại về tác động môi trường của việc khai thác tiền ảo, nói rõ rằng: "Ngoài ra, vấn đề nghiêm trọng là [hoạt động khai thác và giao dịch tiền ảo] tác động rất lớn đến môi trường vì năng lượng điện được sử dụng để xử lý một giao dịch bitcoin có thể được dùng để xử lý 1,2 triệu giao dịch Visa". 

Tuy nhiên, từ trước tới nay, vấn đề sử dụng năng lượng của bitcoin là một chủ đề gây tranh cãi, nhất là khi có những so sánh tương tự rằng giao dịch bitcoin sử dụng nhiều năng lượng hơn so với các giao dịch Visa.

Chuyên gia Nic Carter của Quỹ Castle Island Ventures giải thích rằng so sánh giữa việc sử dụng năng lượng trong các giao dịch bitcoin và việc sử dụng trong các giao dịch Visa "dựa trên rất nhiều sự hiểu lầm về bitcoin". 

Ông giải thích chi tiết như sau: "Nói tóm lại, việc so sánh giữa Visa và bitcoin là hoàn toàn không có cơ sở. Đó là sự so sánh giữa táo và gấu túi. Visa là một mạng lưới thanh toán dựa vào cơ sở hạ tầng tài chính cơ bản. Bitcoin là cơ sở hạ tầng tài chính. Nó là một mạng lưới tiền tệ đầy đủ".

Trong khi đó, kết quả một nghiên cứu của Galaxy Digital đã công bố vào tháng 5 năm ngoái cho thấy hệ thống ngân hàng sử dụng nhiều năng lượng hơn đáng kể so với bitcoin.

Tiền ảo, bitcoin vẫn thích hợp để đầu tư giao dịch

Trong khi tài sản kỹ thuật số không được công nhận là tiền tệ hợp pháp ở Malaysia, quan chức Bộ Tài chính Malaysia nói rằng chúng vẫn có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, bao gồm như một loại tài sản có thể được đầu tư. 

Thứ trưởng Tài chính Malaysia: Tiền ảo không thích hợp để thanh toán hay lưu trữ - Ảnh 2.

Bitcoin và các loại tiền ảo khác được cho là loại tài sản có thể đầu tư sinh lời. (Nguồn: Finbold)

Ông lưu ý rằng Ủy ban Chứng khoán của đất nước đã định nghĩa tài sản tiền ảo là chứng khoán theo luật và cơ quan quản lý hiện đang giám sát các hoạt động giao dịch tiền điện tử trong nước.

Ngoài ra, Thứ trưởng Tài chính khẳng định rằng "các công cụ chính sách tiền tệ và nguồn tài chính hiện có cũng vẫn có hiệu quả trong việc duy trì ổn định tiền tệ và tài chính của đất nước".

Thực tế, Malaysia đang trấn áp các hoạt động khai thác tiền ảo bất hợp pháp. Vào tháng 12/2021, cảnh sát Malaysia đã đóng cửa một hoạt động khai thác tiền điện tử và thu giữ 1.720 máy đào bitcoin khi trấn áp một vụ việc liên quan tới trộm cắp điện. Vào tháng 7 năm ngoái, cơ quan thực thi pháp luật nước này cũng đã phá hủy hơn 1.000 máy khai thác bitcoin bằng hơi nước.

Thu Phương