|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thứ trưởng Bộ Tài chính lưu ý những rủi ro với TTCK, đặt mục tiêu nhà đầu tư chứng khoán chiếm 8% dân số năm 2030

21:56 | 18/11/2021
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng tiềm ẩn rủi ro cần lưu ý.

Đặt mục tiêu nâng hạng thị trường trước năm 2025

Thứ trưởng Bộ Tài chính lưu ý những rủi ro với TTCK, đặt mục tiêu nhà đầu tư chứng khoán chiếm 8% dân số năm 2030 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản".

Tại buổi Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - Kênh đầu tư sinh lời và tích sản" tổ chức sáng nay (18/11), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đang cùng với các bộ ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế, hỗ trợ hệ thống ngân hàng thương mại.

Về mục tiêu cụ thể, ông Chi cho biết cần phấn đấu đưa thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP đã điều chỉnh vào năm 2025 và 110% vào năm 2030. Đối với trái phiếu, hướng tới 47% vào 2025 và 58% vào năm 2030.

Quy mô tăng trưởng của chứng khoán phái sinh mục tiêu đạt 20 - 30%/năm, số lượng nhà đầu tư chứng khoán sẽ đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% vào năm 2030 với cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước hợp lý.

Để tổ chức thị trường một cách hiệu quả, Bộ Tài chính định hướng tổ chức lại thị trường, cơ cấu lại mô hình công ty mẹ - công ty con, chuẩn bị cho mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động sớm nhất.

Mặt khác, cần tổ chức lại Trung tâm lưu ký Chứng khoán thành tổng công ty lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ, đồng bộ công nghệ thanh toán chứng khoán và hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trước năm 2025 theo những tiêu chuẩn phân hạng của FTSE và MSCI.

Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành 1 trong 4 thị trường lớn khu vực Asean.

Những rủi ro cần lưu ý với TTCK Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, tuy nhiên với các giải pháp của chính phủ thì các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nước ta vẫn ổn định.

Cụ thể, thu ngân sách nhà nước vẫn đảm bảo đạt kế hoạch thậm chí có thể về đích sớm, các chỉ tiêu khác như lạm phát được giữ ổn định, riêng GDP bị ảnh hưởng nhưng vẫn đảm bảo nền kinh tế có tăng trưởng.

Đặc biệt, nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích nghi với từng điều kiện hoàn cảnh, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng lưu ý chúng ta không nên quá lạc quan do thị trường chứng khoán đang có những rủi ro nhất định.

Thứ nhất, với yêu cầu của phục hồi kinh tế, Chính phủ trình quốc hội gói kích thích kinh tế, việc này đòi phải có các chính sách tài khóa, tiền tệ đi kèm. Tuy nhiên nếu không có sự tính toán, điều hành phù hợp thì việc áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ đem đến nhiều rủi ro.

Thứ hai là giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới cũng như giá cước vận tải logistics đều tăng ở tốc độ đáng ngại.

Thứ ba, thị trường lao động sau đại dịch có thể đối mặt với những xáo trộn, việc đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế khá khó khăn.

Thứ tư, bản thân nội tại thị trường chứng khoán hiện nay cũng có nhiều rủi ro. Cụ thể, số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng đột biến, bên cạnh đó giao dịch ký quỹ tăng cao trước sức nóng của thị trường. Ngoài ra, tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tăng trưởng mạnh mẽ, xuất hiện rủi ro và phải có biện pháp phòng ngừa.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định "thị trường chứng khoán có nhiều thuận lợi để tăng trưởng nhưng cũng có những rủi ro lớn cần tính đến, cần có những biện pháp kịp thời để đảm bảo thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững".

Với năm 2022, một số giải pháp được đưa ra gồm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố hệ thống tài chính, đưa ra gói kích thích kinh tế sau đại dịch với quy phù hợp; tiếp tục giải pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế như miễn, giảm, giãn thuế, giảm phí, lệ phí, trong đó gồm cả phí của thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động giám sát và quản lý, thanh tra và kiểm tra các vi phạm nhằm đảm bảo thị trường công khai, minh bạch.

Thu Thảo

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.