|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Nhiều giải pháp ban hành đầu năm nhưng điểm rơi chính sách vào cuối năm tạo hiệu ứng tích cực

16:58 | 24/07/2023
Chia sẻ
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, bên cạnh các giải pháp cần thúc đẩy để tạo động lực tăng trưởng, có rất nhiều giải pháp chính sách đã được ban hành trong nửa đầu năm nhưng phần thực hiện và điểm rơi sẽ vào cuối năm kỳ vọng sẽ mang đến những luồng gió mới cho nền kinh tế.

Tại Talkshow "Đối thoại đầu tuần" do Báo Đầu tư tổ chức chiều 24/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, ngay từ đầu năm Việt Nam chịu thách thức rất lớn từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường khó khăn, đơn hàng sụt giảm thì đến giữa năm các khó khăn này vẫn hiện hữu và còn kéo dài.

Theo Thứ trưởng, hiện lạm phát thế giới đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn ở mức cao. Đây là xu thế khá tích cực và đáng mừng cho Việt Nam, bởi khi các quốc gia này kiểm soát được lạm phát cơ hội phục hồi cho chúng ta cũng rõ nét hơn, ông Phương nói.

Thứ hai là đơn hàng sụt giảm tại các thị trường chính, khi lạm phát tăng cao cộng với lãi suất cao thì chi tiêu của người dân cũng bị siết chặt. Điều này dẫn đến ngành sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Thứ ba là là hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng khiến hoạt động đầu tư cũng giảm sút. Mặc dù, châu Á vẫn là điểm đến lý tưởng cho đầu tư song sự khó khăn ở thời điểm hiện tại khiến dòng vốn đầu tư tạm thời chững lại.

"Ba khó khăn này vẫn tiếp diễn và kéo dài nên từ nay đến cuối năm khó mà có những chuyển biến tích cực ngay được trong một thời gian ngắn hạn mà phải dần dần mới có tín hiệu tích cực hơn", Thứ trưởng Phương nhận định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh chụp màn hình).

Đầu tư công: Con số cao nhưng không phải không làm được

Đối với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa rồi Thủ tướng đã có chỉ đạo rà soát tất các giải pháp để kích thích các động lực về tăng trưởng, trong đó có một động lực quan trọng từ hoạt động đầu tư.

Trong đầu tư gồm ba thành phần: Đầu tư công, đầu tư FDI và đầu tư tư nhân.

"Với đầu tư công, hiện chúng ta mới giải ngân được khoảng 30% và sẽ còn phải giải ngân 490.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm, tuy nhiên không có nghĩa là không thể làm được", Thứ trưởng Phương nhận định.

Ông cho rằng, có ba nguyên nhân giúp đầu tư công đạt mục tiêu vào cuối năm. Thứ nhất, trong những năm gần đây, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư công đã được tập trung tháo gỡ. Sự quyết tâm của các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương được thể hiện rất rõ. Đây là những nền tảng để hoàn thành mục tiêu giải ngân hết 490.000 tỷ từ nay đến cuối năm.

Thứ hai là, cơ chế để phục vụ cho giải ngân vốn đầu tư công cũng rất linh hoạt. Quốc hội cũng đã cho phép điều hành linh hoạt, hài hoà giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với đầu tư công kế hoạch từng năm và kế hoạch 5 năm. 

Thứ ba là tính quy luật của giải ngân đầu tư công, thông thường các tháng đầu năm giải ngân thường thấp và các tháng cuối năm giải ngân sẽ rất cao bởi thời gian đầu năm tập trung cho công tác chuẩn bị. Cần phải có rất nhiều thời gian và thay đổi thể chế mới khắc phục được tính mùa vụ trong giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng cho hay.

Với nhóm đầu tư nước ngoài, hiện nay số liệu về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trực tiếp FDI cũng như vốn góp mua cổ phần cũng cho thấy có sự chuyển biến tích cực hơn so với hồi đầu năm cũng như năm ngoái.

Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao để định hướng dòng vốn đầu tư cũng như các dự án vào đúng các lĩnh vực ưu tiên như: Các lĩnh vực thân thiện với môi trường, các ngành có triển vọng trong tương lai như chip bán dẫn, hydrogen, chế biến chế tạo công nghệ cao.

Đồng thời, thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, gắn với các cam kết của Việt Nam tại COP26, nằm trong Quy hoạch điện VIII.

Với đầu tư tư nhân trong nước, các cơ quan quản lý đã có những giải pháp tháo gỡ được nhiều khó khăn về thể chế với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nới room tín dụng cho ngành ngân hàng ngay từ bây giờ hay tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới.

Đây là những yếu tố khơi thông thị trường vốn để tạo dòng tiền. Vấn đề còn lại là cơ hội đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, một số lĩnh vực hiện vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt là chế biến, chế tạo. Vì nhu cầu thế giới chưa phục hồi trở lại, thị trường trong nước mặc dù có hướng tới nhưng chưa đạt được mức như chúng ta kỳ vọng. 

Phần cung về vốn, dòng tiền đã được nới ra nhưng cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp tạo cầu tiêu dùng thì mới thúc đẩy được hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong nước trong 6 tháng cuối năm.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, có rất nhiều giải pháp chính sách đã được ban hành trong nửa đầu năm nhưng phần thực hiện và điểm rơi sẽ vào cuối năm kỳ vọng sẽ mang đến những luồng gió mới cho nền kinh tế.

"Các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 105 của Chính phủ đủ để chúng ta thực hiện từ nay đến cuối năm và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể mà chúng ta đã đề ra", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Hạ An

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.