|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thu trăm triệu từ bán kẽm nhung làm cây thông Noel

11:50 | 18/12/2023
Chia sẻ
Xuất hiện chưa đầy 2 tháng, kẽm nhung để làm thông Noel trở thành sản phẩm "hot" chợ mạng, mang doanh thu đến trăm triệu cho các shop "bắt trend".

Sau khi xem nhiều video hướng dẫn làm cây thông Giáng sinh bằng kẽm nhung trên mạng xã hội, Hạ An (sống tại TP HCM) quyết định "bắt trend" (tham gia vào trào lưu, xu hướng đang thịnh hành) trang trí Noel mới năm nay.

Để làm một cây thông kẽm nhung cao hơn gang tay, cô chi chưa đến 30.000 đồng.

Kẽm nhung là một loại vật liệu phục vụ cho thủ công, có phần lõi kim loại, bên ngoài bọc lớp vải nhung nhiều màu khác nhau. Vật liệu này có thể tạo hình tùy ý dễ dàng, thường được dùng để làm hoa, đồ trang trí. Kẽm nhung được bán sỉ thành bó, chiều dài cắt sẵn khoảng 20-30cm.

"Trên mạng xã hội có rất nhiều video về 'trend' này nên mình tìm mua nguyên liệu online để làm theo hướng dẫn. Mình làm trong 2 tuần lúc rảnh và mang cây thông lên trang trí ở văn phòng", Hạ An nói. Cô cho biết "trend" này được nhiều bạn trẻ hưởng ứng vì mới, sản phẩm dễ làm, chi phí phải chăng nhưng vẫn đáp ứng được thẩm mỹ để trang trí hay làm quà tặng.

 

Từ một trào lưu trang trí Giáng sinh mới được lan truyền mạnh online, kẽm nhung đột ngột trở thành mặt hàng thời vụ, mang lại doanh thu lớn cho nhiều cửa hàng (shop) kinh doanh thương mại điện tử dịp cuối năm.

Ecotop, công ty chuyên kinh doanh trên thương mại điện tử, bán kẽm nhung một tháng qua. Đỗ Quang Huy, Giám đốc công ty cho biết, trào lưu xuất phát từ các video trên mạng xã hội Trung Quốc. Đây cũng là nguồn cung cấp kẽm nhung cho các cửa hàng ở Việt Nam.

Chỉ riêng một cửa hàng của anh trên một sàn online, gói combo 20 sợi kẽm nhung đã bán được 12.600 đơn. Hay như set nguyên liệu trọn gói để làm được cây thông hoàn chỉnh cũng đã giao được hơn 2.600 đơn.

"Doanh số kẽm nhung đang tăng trưởng rất nhanh vì 'trend' làm cây thông này năm nay mới, chi phí chấp nhận được và các bạn trẻ cũng yêu thích làm đồ thủ công nhưng không quá khó để mọi người có thể thực hiện", anh Huy nêu lý do hút hàng.

Nền tảng dữ liệu thị trường thương mại điện tử EcomHeat của công ty YouNet ECI cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, trên các sàn Shopee, Lazada xuất hiện một loạt các sản phẩm được mô tả là "nguyên liệu làm cây thông kẽm nhung tại nhà".

Là sản phẩm mới nhưng tổng giá trị giao dịch (GMV) kẽm nhung tiến đều và đến hai tuần cuối tháng 11 đến nay thì tăng vọt hàng trăm phần trăm. Ví dụ, một set làm cây thông kẽm nhung có mặt trên Shopee từ tháng 10 nhưng đến tuần thứ ba tháng 11 có GMV tăng đến 164%, mang về doanh thu 61 triệu đồng sau 30 ngày.

Theo EcomHeat, một số shop bán được 1.000 đến 3.000 bộ nguyên liệu với giá 30.000 - 60.000 đồng mỗi bộ trong thời gian đầu tháng 11 đến giữa tháng 12. Cá biệt, có shop bán gần 7.000 set trong giai đoạn 1/11- 12/12, thu về 380 triệu đồng.

Các gian hàng bán kẽm nhung làm thông Giáng sinh trên một sàn online. (Ảnh: Chụp màn hình)

YouNet Media cho rằng, sự thành công của mặt hàng này là nhờ các video "tự làm cây thông kẽm nhung" là "hot trend" trên các mạng xã hội từ tháng 11 đến nay. Đề tài này thu hút hơn 31.000 người tham gia trực tuyến, tạo ra hơn 52.200 thảo luận trên mạng xã hội từ đầu tháng trước đến 12/12. Trong đó, việc hỏi mua nguyên liệu kẽm nhung hoặc mua cây thông kẽm nhung thu hút 5.500 thảo luận.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc bộ phận Phân tích Thị trường, Công ty Dữ liệu YouNet ECI, cho biết ngày càng có sự liên kết giữa "trend" trên mạng xã hội và sản phẩm bán chạy trên thương mại điện tử. Kẽm nhung làm cây thông giáng sinh là ví dụ gần đây nhất cho kiểu kinh doanh này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thành công trong việc kinh doanh kiểu "bắt trend", vì đòi hỏi nhạy bén, chuẩn bị từ sớm và cả may mắn. Ví dụ, dữ liệu của EcomHeat cho thấy các gian hàng bội thu mùa kẽm nhung đều có chuẩn bị kỹ.

Ví dụ, một gian hàng bắt đầu bán set làm cây thông kẽm nhung từ 29/10 nhưng trước đó đã bán các set làm hoa tulip bằng kẽm nhung từ tháng 6. Nhờ vậy, họ xây dựng được một nhóm người theo dõi (followers) yêu thích làm thủ công.

Còn theo Đỗ Quang Huy, muốn đón đầu được phải dành rất nhiều thời gian lang thang trên các mạng xã hội Trung Quốc. "Không phải lúc nào cũng tìm được thứ mình cần. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm vì có sản phẩm 'hot' ở nước ngoài nhưng về Việt Nam lại không. Và 'bắt trend' cũng cần yếu tố may mắn" anh nói.

Bên cạnh đó, kinh doanh "bắt trend" được xem là rủi ro cao vì sớm nở tối tàn, "chỉ ăn được giai đoạn ngắn ban đầu", theo anh Huy. Ngày trước, một trào lưu mới xuất hiện có thể kinh doanh được 2-3 tháng nhưng nay vòng đời còn rất ngắn, chỉ khoảng một tháng, do tính cạnh tranh cao và "trend" mới ra nhiều và liên tục. Riêng kẽm nhung, anh Huy dự báo đơn hàng sẽ tuột nhanh và giảm rõ vào 20-21/12, tức trước Giáng sinh vài hôm.

Ông Lâm cũng đánh giá các trend này đến và đi rất nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp và nhà bán hàng cần đánh giá được tính bền vững của các trend, đặc biệt nên quan tâm nhìn nhận mùa vụ, phân khúc thị trường. "Để làm được những điều này, các thương hiệu và nhà bán hàng cần trang bị tư duy dùng dữ liệu thị trường để ra quyết định kinh doanh trên sàn thương mại điện tử", ông khuyến nghị.

Trong khi đó, để giảm thiểu rủi ro, ông Huy cho rằng nhà bán hàng cần phần biệt "trend đều" và "trend đột xuất". Trong đó, "trend đều" là các xu hướng có nhu cầu lặp đi lặp lại theo mùa và chỉ nâng cấp, thay đổi mẫu mã, ví như áo giữ ấm, bình giữ nhiệt mùa đông, quạt điện mùa hè. Còn "trend đột xuất" là sản phẩm lạ xuất hiện, không theo tính chu kỳ.

"Kinh doanh 'bắt trend' là con dao hai lưỡi. Nếu tham gia thì nên bắt 'trend đều', còn 'trend đột xuất' chỉ nên là sản phẩm bổ sung chứ không nên xem là sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu chính', ông Huy nêu kinh nghiệm.

Dỹ Tùng