|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thu thuế thương mại điện tử - dù khó cũng phải làm

09:20 | 01/01/2019
Chia sẻ
Hoạt động thu thuế bán hàng qua mạng, kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới… ở Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngành thương mại điện tử (TMĐT) trong nước đang trên đà phát triển, tốc độ tăng trưởng cũng như doanh thu bán hàng trực tuyến gia tăng mỗi năm. Thời báo Vi tính Sài Gòn đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia thương mại điện tử cũng như cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

Khó xác định doanh thu

thu thue thuong mai dien tu du kho cung phai lam

Theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Vụ Chính sách (thuộc Tổng cục Thuế), do một số loại hình kinh doanh TMĐT chưa có trong danh sách các loại hình được phép kinh doanh nên việc cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp còn vướng mắc. Vì thế, cơ quan thuế chưa thể xác định được hình thức thu thuế phù hợp đối với loại hình kinh doanh này.

Sắp tới, cần sửa đổi một số quy định của các luật về thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến và phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời, ngành thuế cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi mô hình thu thuế điện tử, khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử để 100% người nộp thuế tiếp cận được với phương thức giao dịch này.

Đồng thời, để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT có hiệu quả sẽ cần tới sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.

Cần sửa đổi chính sách quản lý thuế

thu thue thuong mai dien tu du kho cung phai lam

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Thanh Hưng thì cho rằng cần ưu tiên sửa đổi chính sách quản lý thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh.

Theo dự báo của các chuyên gia thì trong tương lai tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới đang có chiều hướng tăng mạnh hơn so với ở trong nước. VECOM đồng tình với quan điểm của ngành thuế với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi).

Việc thu thuế đối với kinh doanh trực tuyến là điều cần thiết, nhưng việc này cần được triển khai sao cho mang lại sự hiệu quả xã hội cao nhất, vừa giúp tăng thu ngân sách, vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương mại điện tử trong nước và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

thu thue thuong mai dien tu du kho cung phai lam

Ông Đoàn Đức Tiến, đại diện công ty cổ phần CNTT Việt Tiến Mạnh (Viettienmanh), nhận định người sử dụng trong nước đang tham gia hoạt động mua hàng hóa thông qua Internet nhiều hơn; đây là điều kiện tốt cho việc tăng trưởng ngành TMĐT.

Môi trường chính sách, pháp luật của chúng ta cần được điều chỉnh một chút để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT có điều kiện hoạt động tốt hơn; tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Chính sách quản lý thuế TMĐT cũng nên điều chỉnh để tạo ra môi trường bình đẳng trong kinh doanh, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (PV: tăng cường giải pháp thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xuyên biên giới).

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước hiện nay phải nộp ba loại thuế, gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhà thầu (nếu sử dụng sản phẩm do công ty nước ngoài cung cấp). Còn nếu như doanh nghiệp hoặc cá nhân đó đang kinh doanh trên nền tảng Google, Facebook hoặc Amazon (không sử dụng dịch vụ tại Việt Nam) thì họ sẽ tránh được các loại thuế này.

Khích lệ người bán hàng có uy tín

thu thue thuong mai dien tu du kho cung phai lam

Ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, nhận xét: “Có thể nói, một trong các trở ngại lớn nhất của TMĐT ở nước ta là sự thiếu lòng tin của người tiêu dùng. Việc khuyến khích mọi đối tượng kinh doanh có uy tín tham gia vào việc bán hàng trực tuyến sẽ góp phần tạo ra nhiều khách hàng hơn; giúp tăng doanh thu ngành TMĐT”.

Do đó, ông Bình cho rằng chính sách quản lý thuế nên được xây dựng theo hướng ngược lại cần thúc đẩy, tạo nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến, khuyến khích người bán… thay vì đặt ra mục tiêu tận thu thuế người bán hàng.

Đồng thời, theo ông Bình, cần có sự phối hợp từ nhiều ngành nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bởi vì nếu như tỷ lệ thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) còn cao, việc thu thuế đối với bán hàng trực tuyến sẽ khó đạt hiệu quả.

Tăng cường thanh toán điện tử

thu thue thuong mai dien tu du kho cung phai lam

Để giải quyết bài toán thu thuế bán hàng qua mạng, ông Phạm Tấn Đạt – Tổng giám đốc công ty cổ phần Fado – góp ý rằng Chính phủ nên tăng cường, khuyến khích người tiêu dùng tham gia hoạt động thanh toán điện tử, giảm thiểu việc thanh toán bằng tiền mặt, thì những vấn đề phức tạp của TMĐT sẽ được giải quyết.

“Tôi cho rằng, Nhà nước có thể tạo chính sách ưu đãi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt (ví dụ như giảm phí thanh toán khi dùng thẻ hoặc tài khoản ngân hàng); hạn chế dùng tiền mặt trong mua sắm nhằm thúc đẩy ngành TMĐT”, ông Đạt nói.

Mặt khác, TMĐT xuyên biên giới đang có sự bất cập về thuế cũng như chính sách hải quan đối với hàng hóa kinh doanh theo hình thức này. Có một số hàng hóa đi về Việt Nam thông qua con đường không chính thống (PV: hàng xách tay), dẫn tới việc thất thu thuế đối với hàng hóa được đưa vào Việt Nam.

Chí Thịnh