Thu ngân sách ngành thuế tăng gần 15%
Theo Tổng cục Thuế có 14/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá, trong đó một số khoản thu lớn như thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; phí - lệ phí; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; thu từ hoạt động xổ số;... Về tổng thể có 26/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá.
Tổng cục Thuế đánh giá thu ngân sách 7 tháng mặc dù đạt khá, nhưng số thu đạt khá chủ yếu tập trung tại các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận chênh lệch của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và khối các công ty xổ số, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước do cơ bản đến nay đã thu xong 4/5 kỳ, nếu không kể 3 khoản này thì thu nội địa do cơ quan thuế quản lý mới đạt được 62,3% dự toán.
Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu ngân sách nhà nước 7 tháng có thể thấy kinh tế có dấu hiệu dần hồi phục nhưng chưa đồng đều, bền vững giữa các khoản thu, sắc thuế, địa bàn, thị trường, ngành nghề, lĩnh vực.
Thời gian qua, ngành thuế cũng đã triển khai các chính sách về thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay, giảm tiền thuê đất năm 2023, giảm thuế gia trị gia tăng, gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 64/2024/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng cho biết đến hết ngày 19/7 có 75.429 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 648,1 triệu hóa đơn; hơn 1.213.416 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng Etax Mobile.
Đặc biệt, đã có 103 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua Cổng thông tin điện tử, tăng 02 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký mới so với tháng trước. Lũy kế đến 15/7, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử là 4.039 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, Tổng cục Thuế cho biết, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích tình hình thu tại từng địa bàn, từng khu vực thu, khoản thu, sắc thuế, dự báo thu hàng tháng, quý sát đúng với thực tế phát sinh để đưa ra các giải pháp thu kịp thời.
Cùng với đó, rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời có giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả; kiến nghị với UBND tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo chỉ đạo các ngành, các cấp tại địa phương trong quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Hưng Yên thu ngân sách 7 tháng đạt hơn 26.000 tỷ đồng
Trong khi đó tại Hưng Yên, trong 7 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ước đạt trên 26.000 tỷ đồng, tăng trên 42% và đạt trên 81 % kế hoạch thu cả năm; trong đó, thu nội địa ước đạt gần 24.000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, một số khoản thu tăng như thu từ doanh nghiệp nhà nước; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh; thu thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu về đất…
Theo Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đức Sơn, kết quả trên là sự nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người nộp thuế đã tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, người lao động.
Những chính sách, sự điều hành quyết liệt, kịp thời của nhà nước, của cấp ủy cùng chính quyền các cấp đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân, người nộp thuế thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Thời gian tới, Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả quản lý thuế, thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn tạo đà để doanh nghiệp và người dân nhanh chóng phục hồi, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Cùng đó, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch, công khai và hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp thuế kịp thời vào ngân sách nhà nước, không để nợ đọng thuế quá hạn.
Để bảo đảm hoàn thành toàn diện dự toán số thu ngân sách nhà nước cả năm, tỉnh Hưng Yên đề nghị Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Hưng Yên cần chủ động xây dựng và thực hiện phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống, phù hợp với tình hình thực tế; trong đó, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc các nguồn thu trên địa bàn, chú trọng phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu.
Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, kịp thời đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp để tăng cường quản lý thuế.
Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng Internet góp phần chống thất thu ngân sách; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, thu hồi nợ đọng thuế, cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật.
Năm 2024, HĐND tỉnh giao dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 32.823 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 29.123 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 3.700 tỷ đồng.