|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu ngân sách Hà Nam tăng gần 35% trong 11 tháng

11:54 | 04/12/2024
Chia sẻ
Trong 11 tháng, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam tiếp tục duy trì đà tăng với chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 16,1%; thu ngân sách nhà nước tăng 34,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 14,5%,...

Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, trong 11 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước của tỉnh tăng tới 34,7%, thu hút vốn đăng ký mới tăngtăng 33,6%. Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng ước tính tăng 16,1%.

IIP ước tính tăng 16,1%

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 tiếp tục duy trì mức tăng cao, ước tính tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 21,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,3%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý xử lý nước thải, rác thải tăng 9,4%.

Tính chung 11 tháng, IIP ước tính tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 8,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,3%.

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Nam 

826 doanh nghiệp thành lập mới

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 18/11, toàn tỉnh có 826 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 10.616,5 tỷ đồng, tăng 12,7% về số doanh nghiệp và tăng 28,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Ở chiều ngược lại, có 734 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động, tăng 10,3%; 98 doanh nghiệp giải thể, phá sản, tăng 35%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tăng 7,9%

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 11 ước đạt 916,7 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 14,8% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 439,6 tỷ đồng, tăng 3,4% và giảm 49%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 423,1 tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 115,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 54,1 tỷ đồng, tăng 3,6% và tăng 181,8%.

Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý ước đạt 7.019,3 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 86,7% kế hoạch năm 2024.

Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh ước đạt 3.355,3 tỷ đồng, giảm 31,9% và bằng 87,1%; vốn NSNN cấp huyện ước đạt 3.187,8 tỷ đồng, tăng 125,5% và bằng 85,9%; vốn NSNN cấp xã ước đạt 476,2 tỷ đồng, tăng 187,7% và bằng 89,8%.

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Nam  

Thu hút vốn đăng ký mới tăng 33,6%

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 31/10, toàn tỉnh thu hút được 71 dự án, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2023 với số vốn 11.260,8 tỷ đồng, tăng 33,6% và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 52 dự án tăng 62,5% với số vốn 126.000 tỷ đồng (tương đương 497,5 triệu USD), tăng 26,3%.

Trong đó, đối với dự án đầu tư nước ngoài (FDI), thực hiện cấp mới 21 dự án, giảm 16% với tổng số vốn đăng ký là 155,5 triệu USD, giảm 46,8%; thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 31 dự án, tăng 40,9% với số vốn tăng là 342 triệu USD, tăng 237,6% và thu hồi, chấm dứt hoạt động 5 dự án với số vốn đăng ký 19,7 triệu USD;

Đối với dự án trong nước, thực hiện cấp mới 50 dự án, tăng 127,3% với tổng số vốn đăng ký là 9.803,4 tỷ đồng, tăng 59%; thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư 21 dự án, tăng 110% với số vốn tăng là 1.457,4 tỷ đồng, giảm 35,6% và thu hồi, chấm dứt hoạt động với 6 dự án với số vốn đăng ký 1.360,6 tỷ đồng.

Thu ngân sách Nhà nước tăng 34,7%

Theo báo cáo của Sở Tài chính, trong 11 tháng, thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 14.099,8 tỷ đồng, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 87,7% dự toán địa phương.

Trong đó, thu nội địa đạt 12.649,8 tỷ đồng, tăng 37,1% và bằng 87,9%; thu hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 16,4% so cùng kỳ và đạt 86,1% dự toán địa phương.

Ngược lại, tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước ước thực hiện 13.155 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 85% dự toán địa phương.

Trong đó, chi thường xuyên ước thực hiện 7.670 tỷ đồng, tăng 75,5% và bằng 91,7% dự toán địa phương; chi đầu tư phát triển ước thực hiện 5.317 tỷ đồng, giảm 20,5% và bằng 78,1% dự toán địa phương.

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Nam  

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,5%

Trong tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.071,7 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 27,8% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 49.213,2 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 40.267,7 tỷ đồng, tăng 12,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2.845,8 tỷ đồng, tăng 9,7%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1.234,3 tỷ đồng, tăng 176,9%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.865,4 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Nam  

Bình quân CPI tăng 3,65%

Tháng 11, thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa trong những tháng cuối năm. Giá cả tiếp tục được kiểm soát. Giá một số mặt hàng rau củ có xu hướng giảm do đang vào vụ, giá điện, nước sinh hoạt giảm do nhu cầu sử dụng của người dân vào mùa lạnh có xu hướng giảm. Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm.

Đây là là những nguyên nhân chính tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1% so với tháng trước; tăng 3,01% so với cùng tháng năm trước; tăng 3,16% so với tháng 12 năm trước. Bình quân 11 tháng, CPI tăng 3,65% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Ngọc Bảo