|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thu hàng trăm đầu phí mỗi năm, nhưng Visa và Mastercard không thể giảm thêm phí cho khách hàng

22:02 | 27/08/2021
Chia sẻ
Trung bình mỗi năm, Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại, với tổng giá trị thu của các nhà băng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD/năm.
Thu hàng trăm đầu phí mỗi năm, nhưng Visa, Mastercard không thể giảm thêm phí cho khách hàng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Timo).

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có công văn gửi Tổ chức thẻ quốc tế Visa, Mastercard tiếp tục kiến nghị việc miễn, giảm các loại phí cho các ngân hàng tại Việt Nam.

Theo công văn, trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho khách hàng thông qua việc cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm nhiều loại phí giao dịch, trong đó có phí phát hành thẻ, phí rút tiền tại ATM.

Tuy nhiên các loại phí liên quan đến thẻ Visa và thẻ Mastercard không thể giảm phí hơn được nữa do các Tổ chức thẻ quốc tế (TCTQT) chưa có sự chia sẻ với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Theo VNBA, tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng Việt Nam hiện nay rất lớn, đặc biệt là đối với mảng thanh toán. 

Doanh số thanh toán thẻ quốc tế tính đến hết quý II/2021 giảm 23% so với năm 2019. Trong đó, doanh số thanh toán tại nước ngoài chịu ảnh hưởng rất nặng nề, giảm 85%. Doanh số thanh toán thẻ trong nước 6 tháng đầu năm 2021 đã sụt giảm từ 50% - 70% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch. 

Trong khi đó, các ngân hàng vẫn phải trả mức phí rất lớn cho TCTQT. Trong giai đoạn 2019 - 2020, tổng phí thu của Visa và Mastercard đối với các nhà băng ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm (tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng/năm).

Trên cơ sở phản ảnh của các Ngân hàng hội viên, VNBA đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong chính sách thu phí của các TCTQT áp dụng tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, cơ cấu phí của các TCTQT áp dụng cho các bgân hàng tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu rất lớn. Trung bình mỗi năm, Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại/1 TCTQT, với tổng giá trị mỗi TCTQT thu của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD/năm.

Bên cạnh đó, mức phí TCTQT áp dụng đối với giao dịch trong nước và tại nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn. Đối với phí thu chiều phát hành, phí thu trên doanh số giao dịch tại nước ngoài cao gấp 10 - 50 lần so với giao dịch trong nước, trong khi phí thu trên số lượng giao dịch đối với giao dịch nước ngoài cao gấp 7 - 10 lần giao dịch trong nước.

Phí xử lý giao dịch của các TCTQT bao gồm nhiều loại phí, trong đó TCTQT vừa thu theo số lượng giao dịch và vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng thu phí chồng phí đối với 1 giao dịch,

Ngoài ra, còn một số vướng mắc như các TCTQT đưa ra rất nhiều quy định liên quan đến vận hành, báo cáo và các Ngân hàng thành viên có trách nhiệm phải tuân thủ; đối với giao dịch không được cấp phép chuẩn chi, ngân hàng không thu được phí từ đơn vị chấp nhận thẻ nhưng vẫn phải trả phí cấp phép cho TCTQT;....

Trước những bất cập trên, VNBA đề xuất các TCTQT giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành (bao gồm cả phí xử lý giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến qua các cổng thanh toán quốc tế).

Đồng thời, triển khai các chương trình tài trợ hoàn phí xử lý giao dịch và giảm 50% phí dịch vụ cho các ngân hàng tại Việt Nam theo nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; đối với giao dịch giá trị nhỏ, đề xuất tổng các loại phí thu trên một giao dịch giá trị nhỏ thu theo một mức tỷ lệ % và không quá 0,05% doanh số giao dịch; ...

Bên cạnh đó, đơn giản hóa cơ chế thu phí để tránh tình trạng thu phí chồng phí; không thu phí phạt đối với trường hợp Ngân hàng thành viên không đạt mức báo cáo doanh số quy định do bị ảnh hưởng bởi COVID-19; có chính sách phí ưu đãi đối với các giao dịch trong nước, phù hợp với mức phí của Tổ chức chuyển mạch thẻ đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay;....

Lê Huy