|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thông tư 06 và lãi suất 2017

21:26 | 20/01/2017
Chia sẻ
Vì sao Thông tư 06/2016/TT-NHNN (sửa một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN), một văn bản có hiệu lực từ tháng 7-2016, gần đây lại được nhắc nhiều như một nhân tố sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực ổn định lãi suất trong năm 2017.

Đó là bởi vì kể từ ngày 1-1-2017, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 60% xuống 50%, đồng thời hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%.

Nhớ lại cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 36 điều chỉnh tăng mạnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60% và giảm hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán từ 250% xuống 150%. Các chuyên gia lý giải sự điều chỉnh của Thông tư 36 khi đó là để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, trong điều kiện “thuận lợi” là thị trường bất động sản đã giảm mạnh nhiều năm liên tiếp.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng sau Thông tư 36 lại tập trung nhiều vào kênh bất động sản, khiến rủi ro toàn hệ thống gia tăng. NHNN lại điều chỉnh các tỷ lệ này trong Thông tư 06/2016 theo hướng tăng cường dự phòng rủi ro thanh khoản và nắn lại dòng tín dụng vào bất động sản. Theo đó, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ giảm dần từ mức 60% về 50% trong năm 2017 và 40% từ năm 2018; hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản cũng tăng từ 150% lên 200% từ đầu năm 2017. So với dự thảo Thông tư 06 trước đó, việc giãn thời gian thực hiện các quy định trên đã tránh một cú sốc cho các NHTM và thị trường nói chung, nhưng tác động của nó đến mặt bằng lãi suất cũng chỉ giãn ra chứ không biến mất.

Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặc dù Thông tư 06 đã được ban hành từ giữa năm 2016 nhưng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống đến cuối năm 2016 vẫn tăng lên 35% từ mức 31,8% cuối năm trước. Cá biệt tại một số ngân hàng, tỷ lệ này đang cao sát mức trần quy định 50% (áp dụng từ đầu năm 2017). Tính riêng nhóm NHTM cổ phần, tỷ lệ này tăng mạnh từ 36,9% lên 41,45% vào cuối quí 3-2016 (tức đã vượt quá tỷ lệ tối đa 40% sẽ áp dụng kể từ đầu năm 2018).

Như vậy, ngay khi bước sang năm 2017, một số ngân hàng có nguy cơ phải tạm dừng, “không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng trung hạn và dài hạn nào cho đến khi đáp ứng tỷ lệ quy định”. Đối với các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đang tiệm cận hoặc vượt mức 40%, việc cấp tín dụng trung, dài hạn trong năm 2017 cũng phải được tính toán kỹ càng để tránh vi phạm tiêu chuẩn mới sẽ áp dụng vào năm sau.

Như vậy, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn mới áp dụng từ đầu năm 2017 sẽ có tác động làm hạn chế nguồn cung tín dụng trung, dài hạn tại một số NHTM.

Ngoài lý do liên quan đến liên quan cân đối cung - cầu vốn trung, dài hạn thì không loại trừ khả năng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn năm 2017 sẽ tăng lên vì nợ quá hạn được phân loại thực chất hơn, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất cho vay trung, dài hạn.

Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng sẽ gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn, chủ yếu thông qua tăng phát hành trái phiếu hoặc huy động tiết kiệm trung, dài hạn. Nhưng do lo ngại lạm phát và biến động tỷ giá, đa số người dân vẫn ưa chuộng nắm giữ vàng, đô la Mỹ và bất động sản, hoặc nếu nắm giữ tiền đồng thì gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn để khi xuất hiện rủi ro hoặc cơ hội đầu tư thì có thể rút ra chuyển đổi ngay. Rủi ro kỳ hạn này đã được các ngân hàng cố gắng bù đắp bằng nhiều đợt tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài trong năm 2016. Nhưng giải pháp này sẽ tác động gián tiếp đến lãi suất đầu ra của NHTM.

Nhìn từ góc độ nhu cầu vốn, dư nợ trung, dài hạn đang chiếm đến 55,6% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp). Tỷ trọng này tăng nhẹ từ mức 55,4% cuối năm 2015. Nhu cầu vay vốn trung, dài hạn cao và gia tăng là nhằm đáp ứng quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế, nhưng nó cũng phản ánh một thực tế là thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp kém phát triển. Ngoài ra, nhu cầu vay tiêu dùng và mua nhà tăng mạnh thời gian qua cũng góp phần tăng dư nợ trung, dài hạn.

Nhu cầu cao trong khi nguồn cung cho vay trung, dài hạn ngày càng bị hạn chế nên lãi suất khó mà giảm. Với riêng tín dụng bất động sản (chủ yếu cũng là cho vay trung, dài hạn), việc tăng hệ số rủi ro lên 200% khiến các ngân hàng đang có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp phải có động thái cân nhắc giảm mức cho vay bất động sản và lựa chọn các dự án kỹ lưỡng hơn. Điều này khiến lãi suất cho vay bất động sản chịu thêm một áp lực tăng.

Ngoài ra, còn một quy định khác của Thông tư 06 có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay trung, dài hạn trong năm 2017 mà không liên quan cân đối cung - cầu vốn. Đó là sự thay đổi của Thông tư 06 so với Thông tư 36 về cách tính các khoản nợ quá hạn vào dư nợ trung, dài hạn. Nếu như Thông tư 36 quy định các khoản tín dụng ngắn hạn được tính vào dư nợ trung, dài hạn trong trường hợp thời hạn cho vay cộng thời gian quá hạn từ 12 tháng trở lên, thì Thông tư 06 quy định khoản tín dụng khi quá hạn sẽ ngay lập tức được tính vào dư nợ trung, dài hạn mà không quan tâm đến thời hạn cho vay.

Một góc khuất trong việc phân loại nợ từ nhiều năm nay là không phải tất cả ngân hàng đều áp dụng phương thức chuyển nhóm nợ tự động (thực ra là làm đúng quy định: chuyển nợ nhóm 1 sang nhóm 2 nếu quá hạn từ 10 ngày trở lên). Thay vào đó, trước khi chuyển nhóm nợ, ngân hàng thường tiếp tục theo dõi, đốc thúc khách hàng thêm 1-2 tháng, kèm theo các biện pháp như xử lý tài sản đảm bảo, “đẩy nợ” sang ngân hàng khác, thậm chí là cho vay lại (đảo nợ). Tuy nhiên, NHNN đang có những bước đi cho thấy quan điểm giám sát ngày càng chặt chẽ trong việc xác định chất lượng tín dụng (như việc tạm dừng cho vay tái tài trợ và cho vay tuần hoàn để ngăn chặn đảo nợ thông qua Công văn số 6960 vào tháng 9-2016). Do đó, không loại trừ khả năng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn năm 2017 sẽ tăng lên vì nợ quá hạn được phân loại thực chất hơn, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất cho vay trung dài hạn.

Phong Hiếu