|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thông qua EVFTA: Còn nhiều việc phải làm để Hiệp định có hiệu lực thực thi

21:35 | 08/06/2020
Chia sẻ
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào sáng 8/6.

Như vậy là Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Vào lúc 16h45 chiều ngày 8/6, Bộ trưởng Công thương Việt Nam sẽ có cuộc điện đàm với Cao Uỷ thương mại EU. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên sau khi EVFTA được phê chuẩn thông qua sáng nay (8/6)với 100% phiếu tán thành.

Về các công việc phải làm sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định này cũng như nhiệm vụ đặt ra nhằm khai thác tối đa lợi ích mà hiệp định mang lại, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh - đơn vị được Chính phủ giao trực tiếp tham gia đàm phán, ký kết hiệp định và là đầu mối xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực thi Hiệp định:

Thông qua EVFTA: Còn nhiều việc phải làm để Hiệp định có hiệu lực thực thi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

PV:Thưa Bộ trưởng, như vậy là Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiệp định EVFTA. Xin Bộ trưởng cho biết công việc tiếp theo ngay sau đây là gì?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta còn một số nhiệm vụ rất cấp bách và rất cần thiết: Phải phối hợp cùng với Liên minh châu Âu để các cơ quan chức năng của phía Chính phủ Việt Nam hoàn tất các quy trình pháp lý để đảm bảo hiệp định đi vào cuộc sống và có hiệu lực theo đúng thời điểm mà hai bên đã thống nhất, đó là ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi Hiệp định được phê chuẩn, có nghĩa là từ ngày 1/8/2020 hai bên tiến hành trao đổi công hàm.

PV: Là đơn vị đầu mối xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về thực thi Hiệp định, xin hỏi Bộ trưởng về công việc này cũng như công tác chuẩn bị của Chính phủ và các bộ ngành đến thời điểm này ra sao?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị của cả nước vào cuộc từ rất sớm. Ngay từ trong quá trình chúng ta triển khai các hoạt động đàm phán rồi sau đó là ký kết và bây giờ là phê chuẩn Hiệp định.

Đặc biệt, nó thể hiện rất rõ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong Chương trình tổng thể - Chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam để thực thi Hiệp định.

Đây cũng là một nội dung rất quan trọng đối với phía bạn - Liên minh châu Âu, vì nó chứng minh một quan điểm tích cực và trách nhiệm ở mức cao nhất của Chính phủ Việt Nam; của Việt Nam nói chung là đối tác tin cậy và bình đẳng của EU.

Tôi cũng xin nhắc lại, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới kiểu này thì Việt Nam là nước đầu tiên được EU lựa chọn, tổ chức xây dựng và thực thi.

Để thực thi hiệp định này có hiệu quả Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Chính phủ phương án với Quốc hội cho phép thực thi ngay một số điều khoản quan trọng trong các nội luật mà đang còn có sự khác biệt, ví dụ như Luật Sở hữu trí tuệ, hay Luật Bảo hiểm... đảm bảo phục vụ cho doanh nghiệp của cả hai bên.

Đồng thời, một số quy phạm pháp luật và những văn bản hướng dẫn trong thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương, chúng ta có kế hoạch xây dựng và ban hành ngay.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn để hướng dẫn xây dựng cấp chứng nhận xuất xứ mặt hàng gạo. Từ đó, có điều kiện tiếp cận với thị trường châu Âu ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Vì gạo là mặt hàng chúng ta có ưu thế và lợi thế rất lớn khi cắt giảm thuế quan từ 42% xuống còn 0%. Đây là những công việc rất cụ thể để doanh nghiệp và các ngành hàng của chúng ta có thể khai thác được ngay.

Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức ngay các chương trình tập huấn và hướng dẫn cho các cơ quan quản lý nhất là các cấp địa phương để triển khai Hiệp định này theo tinh thần của các cam kết; những nội dung, nhiệm vụ đã quy định trong Chương trình hành động của Chính phủ, và cả trong những yêu cầu cụ thể mà Bộ Công Thương nêu ra cho các địa phương trong việc tổ chức thực thi.

Ở đây không giới hạn trong những vấn đề liên quan đến thương mại và đi thâm nhập các thị trường này, mà chúng tôi còn lồng ghép và tổ chức thực hiện thông qua các chương trình về phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc gia, xây dựng thương hiệu, về triển khai kiểm dịch động thực vật để mở cửa thị trường cũng như các vấn đề liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các điều kiện về nhân lực, về tín dụng…

Qua đó, giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp Việt Nam nói chung khai thác được hiệp định này một cách kịp thời nhất và nhanh nhất. Vì chúng ta cũng thấy rằng, dịch Covid-19 đã gây những thiệt hại và tác động rất sâu, rất rộng đến kinh tế Việt Nam, đến các hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam, nhất là xuất khẩu.

Chính vì vây chúng ta cần phải tranh thủ thời gian và tranh thủ các cơ hội từ Hiệp định này để bù đắp lại cho các mục tiêu trong phát triển kinh tế, đời sống người dân cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thông qua EVFTA: Còn nhiều việc phải làm để Hiệp định có hiệu lực thực thi - Ảnh 2.

Việc thông qua Hiệp định EVFTA, là cơ hội rất lớn để Việt Nam nâng được năng lực cạnh tranh thông qua cắt giảm thuế quan và đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu sang thị trường này...

PV: Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về khả năng khai thác thị trường EU của doanh nghiệp Việt Nam từ Hiệp định này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi phải nhắc lại, thị trường EU là một thị trường vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Đây là một khu vực kinh tế với GDP lên tới 18.000 tỷ USD. Đó là một thị trường rất mạnh, đứng thứ 2 thế giới xét về cầu trong nhập khẩu - với nhu cầu nhập khẩu mỗi năm khoảng 2.400 tỷ USD và trong đó xuất khẩu của chúng ta sang EU mới chỉ có 2% mặc dù đã tăng rất nhanh trong thời gian qua.

Tính trong vòng 15 năm trở lại đây thì chúng ta tăng xuất khẩu hơn 15 lần, và đạt giá trị xuất khẩu lên tới hơn 41 tỷ USD. Thế nhưng thị phần xuất khẩu của chúng ta sang EU mới chỉ có 2%, đứng thứ 7 trong các đối tác xuất khẩu sang EU. Điều đó cho thấy dư địa còn rất lớn.

Và nếu nhìn vào cơ cấu thương mại thì có rất nhiều ngành hàng có năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất và xuất khẩu từ dệt may, điện tử, da giày, đồ gỗ, nông thủy sản... 

Chính vì vậy đây là một cơ hội rất lớn để chúng ta nâng được năng lực cạnh tranh thông qua cắt giảm thuế quan và đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu sang thị trường này. Chúng tôi tin chắc rằng với mức cắt giảm thuế quan như hiện nay, và rất cao dành cho Việt Nam, thì chúng ta có những lợi thế, điều kiện rất thuận lợi để có thể cạnh tranh có hiệu quả hơn, hướng tới thị phần lớn hơn nữa, và đặc biệt là giá trị gia tăng cao hơn cho xuất khẩu sang thị trường EU.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có ngay mọi thứ. Thị trường EU là một thị trường có những yêu cầu rất khắt khe và đòi hỏi rất cao về mặt chất lượng kỹ thuật, đặc biệt thông qua các hàng rào kỹ thuật liên quan từ việc kiểm dịch động vật, thực vật cho đến vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chí khác…

PV: Theo Bộ trưởng thì thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi tham gia Hiệp định này là gì? Và đâu là nhệm vụ trọng tâm Chính phủ cần triển khai trong thời gian sớm để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể tận dụng ngay được các lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại? 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chúng ta có rất nhiều hạn chế nhưng chúng tôi cho rằng hạn chế cơ bản nhất là quy mô của doanh nghiệp nhỏ và vừa... Vì vậy, chúng ta bị hạn chế rất nhiều về điều kiện tiếp cận với tín dụng, trong trình độ quản trị doanh nghiệp, những cơ hội của tiếp cận thị trường…

Việc chúng ta thực thi nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu mà Chính phủ đã chỉ đạo căn cứ trên các nền tảng pháp lý quan trọng như Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa là vô cùng cần thiết. Nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chúng ta phải có sự chủ động tương tác từ hai phía. Có nghĩa là bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động, tích cực hơn nữa trong cuộc chơi chung này.

Các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tiếp cận với những chương trình từ phổ biến kiến thức pháp luật về các Hiệp định và các khung khổ hội nhập như thế này, cho đến những nghiên cứu sâu hơn trong chiến lược phát triển và thâm nhập thị trường, tổ chức lại các hoạt động sản xuất gắn với truy xuất nguốn gốc…

Sắp tới đây còn một nhiệm vụ quan trọng khác nữa mà chúng ta cần phải tập trung, đó là việc tổ chức tập huấn và đào tạo cho nguồn nhân lực của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa các kiến thức về thương mại quốc tế và hội nhập.

Đây là một nhiệm vụ mà chúng tôi cũng đã nêu trong Chương trình hành động và Bộ Công Thương sẽ tổ chức triển khai một cách đầy đủ và kịp thời nhất. Và ra một sân chơi lớn với luật chơi chung như thế này thì doanh nghiệp không thể trông chờ vào ai cả ngoại trừ bằng chính hiểu biết, kiến thức và năng lực của mình. Chính vì vậy, những điều kiện cần Chính phủ sẽ lo và chuẩn bị, nhưng những điều kiện đủ bản thân khu vực doanh nghiệp chúng ta phải tính.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Nguyên Long