Thống đốc nói gì về tình trạng nợ xấu tiếp tục tăng cao?
Sáng nay 11/11, tại phiên trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ về vấn đề nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng trong thời gian qua và đưa ra những giải pháp để xử lý.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng cao.“Đây là một thực tế do kể từ 2020 đến nay, đại dịch COVID tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến trả nợ khó khăn hơn”, bà Hồng nói.
Dữ liệu tổng hợp từ 29 ngân hàng đã công bố BCTC cho thấy số dư nợ xấu ở mức 259.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,27%.
Tỷ lệ nợ xấu tại nhóm ngân hàng này đã tăng 0,3 điểm % so với đầu năm.
Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành đã giảm từ 92% xuống còn 82% sau 9 tháng năm 2024.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022.
Theo Thống đốc, để kiểm soát nợ xấu, NHNN cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay nhằm đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.
Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, các tổ chức tín dụng tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản. Tuy nhiên, hoạt động này hiện nay đang rất khó khăn. Ngoài ra, NHNN cũng đã có khuôn khổ pháp lý cho VAMC hay các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu, bà Hồng cho biết thêm.
Thống đốc cũng nhấn mạnh rằng nợ xấu tăng cao là một yếu tố khiến cho lãi suất cho vay khó có thể giảm tiếp trong thời gian tới.
“Lãi suất cho vay khó có thể giảm tiếp mặc dù đã giảm đáng kể. Nợ xấu hình thành khi khách hàng không trả được nợ cho ngân hàng. Trong khi tiền cho vay là tiền huy động và tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi cho người dân. Với điều kiện như vậy, rất khó để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, bà Hồng nói.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, NHNN cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa giảm mặt bằng lãi suất, vừa chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động. Trong giai đoạn từ dịch COVID đến nay, lãi suất cho vay đã được giảm từ 50.000 đến 60.000 tỷ đồng, Thống đốc báo cáo.
Tại phiên này, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đã chất vấn Thống đốc về giải pháp tăng trưởng tín dụng 15% mà không gia tăng tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới.
Thống đốc khẳng định khả năng đạt được mục tiêu 15% là khá cao, còn về vấn đề nợ xấu nếu nguyên nhân đến từ yếu tố khách quan thì NHNN cũng khó có thể kiểm soát. Đối với bản thân các tổ chức tín dụng, NHNN đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách thẩm định kỹ khoản vay, đối tượng vay, đồng thời thận trọng, cân đối các nguồn vốn.