|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc NHNN: Trái phiếu doanh nghiệp giúp cân bằng thị trường vốn, giảm sức ép và rủi ro lên hệ thống ngân hàng

16:31 | 22/04/2022
Chia sẻ
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc các doanh nghiệp dựa nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống TCTD, đồng thời đã và đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống.

Doanh nghiệp còn phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng

Tham luận tại Hội nghị phát triển thị trường vốn diễn ra chiều nay (22/4), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận định thị trường TPDN của Việt Nam có qui mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP).

Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn), đồng thời đã và đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống.

Do đó, việc thị trường TPDN phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn, tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD phát triển lành mạnh, hiệu quả. Về phía doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.

 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham luận tại hội nghị. (Ảnh: VGP). 

Thống đốc cho biết hiện nay, các TCTD đã tham gia thị trường vốn với các vai trò khác nhau như nhà đầu tư, nhà phát hành và bên cung cấp vốn để đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Tính đến cuối năm 2021, có 41 TCTD tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ là 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng hệ thống. Để đảm bảo an toàn hoạt động các TCTD, NHNN kiểm soát rất chặt chẽ việc TCTD mua TPDN thông qua nhiều quy định mà gần đây nhất là Thông tư 16.

TCTD là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường TPDN hiện nay, là định chế chính tạo lập thị trường TPDN, góp phần gia tăng cả lượng và chất đối với hàng hóa được giao dịch trên thị trường TPDN. Năm 2021, trái phiếu do TCTD phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng TPDN phát hành trên thị trường.

Tính đến 31/3/2022, có 29 TCTD phát hành trái phiếu với dư nợ khoảng 427.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế.

Cùng với đó, Thống đốc nhận định các nhà đầu tư TPDN như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán chưa khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường; hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ tương hỗ chưa phát triển, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường TPDN còn hạn chế.

Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng gia tăng mua, nắm giữ TPDN nhưng khả năng phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro khi mua TPDN, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nên cũng hạn chế đáng kể việc đánh giá và ra quyết định của các nhà đầu tư. 

Đặc biệt trong điều kiện thị trường hiện nay, hầu hết TPDN chưa được niêm yết, phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư khó nắm bắt thông tin, khả năng thanh khoản thấp, giao dịch trên thị trường thứ cấp còn hạn chế.

Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có thị trường TPDN chuyên biệt nên khi phát sinh nhu cầu mua, bán TPDN trên thị trường thứ cấp nhà đầu tư và nhà phát hành phải chào mua, chào bán tới từng tổ chức, cá nhân.

Cần phát triển đồng bộ thị trường trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh

Trên cơ sở đó, Thống đốc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ban ngành phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh...), đa dạng hoá các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Đồng thời, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường; thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.

Đại diện NHNN cũng đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường TPDN), giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các TCTD, nhất là vốn trung dài hạn.

Cùng với đó cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của TTCK, trong đó có thị trường TPDN.

Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán, kế toán và công bố thông tin trong hoạt động; đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh;... để tăng niềm tin của nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán. 

Huyền Phương