Thoái vốn Sabeco và Habeco là cú hích cho thị trường M&A năm 2017
Thoái vốn Sabeco và Habeco sẽ là bước đột phá cho thị trường M&A năm 2017 (Ảnh minh hoạ) |
Nhận định về khả năng tăng trưởng giá trị M&A của Việt Nam trong năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một năm khó dự đoán do những bất ổn từ Brexit và những chính sách mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một số nhận định cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục trỗi dậy với vai trò người mua, trong khi nhà đầu tư Mỹ và Châu Âu lại trở nên thận trọng hơn.
Thị trường M&A Việt Nam 2017 được dự báo khó có khả năng vượt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD của năm 2016. Trong buổi họp báo Diễn đàn M&A 2017, ông Đặng Xuân Minh – Tổng giám đốc Công ty AVM đưa ra ba lý do cho nhận đinh trên.
Đầu tiên, xu hướng M&A có vẻ chậm lại trong đầu năm nay. Quý I/2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD, chỉ bằng 75,6% mức bình quân quý của 2016. Thứ hai, do chưa thấy được tiềm năng của thương vụ lớn nào trong năm, trong khi 2016 có 2 thương vụ lớn. Thứ ba, do độ trễ của quá trình thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp.
Ông Minh kỳ vọng thương vụ M&A liên quan đến Sabeco và Habeco, hai cái tên nóng nhất trong ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam, nếu thực hiện trong năm thì thị trường M&A mới có thể đột phá.
Được biết, Sabeco và Habeco đã cổ phần hóa hơn 8 năm, hiện cổ đông Nhà nước nắm 89,59% vốn điều lệ Sabeco và 81,79 % Habeco. Hai hãng này đang nắm giữ khoảng 65% thị phần bia Việt Nam và được hàng loạt doanh nghiệp bia lớn trên thế giới “đánh tiếng” mua cổ phần.
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Dự kiến bán vốn Sabeco, Habeco trong năm 2017 |
Kế hoạch đưa ra trước đó của Bộ Công Thương, năm 2016 sẽ thoái toàn bộ 81,79% vốn Habeco, tương đương với 9.000 tỷỉ đồng; còn Sabeco thoái trong hai đợt (đợt 1 là 24.000 tỷ đồng và đợt 2 là 16.000 tỷ đồng). Tuy nhiên đến nay Bộ chưa thực hiện được.
Ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho hay, Habeco sẽ tiếp tục trình thoái vốn lên Bộ Công Thương trong tuần, Sabeco có trước ngày 31/7. Dự kiến sau khi được phê duyệt sẽ bán vốn ngay trong năm 2017.
Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC), rất có thể việc bán cổ phần nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco hoặc cả 2 sẽ diễn ra trước cuối năm nay.
Với Habeco, nhà đầu tư có khả năng mua nhiều nhất là Carlsberg. Công ty này đang là cổ đông chiến lược giữ hơn 17% cổ phần Habeco và được quyền ưu tiên mua lại khi Nhà nước thoái vốn, nhưng vấn đề về giá sẽ là rào cản lớn nhất cho thương vụ.
Cách đây không lâu, đại diện Carlsberg cho rằng mức giá hợp lý của Habeco là 48.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với thị giá của cổ phiếu Habeco trên thị trường chứng khoán (thời điểm ngày 14/2 là 113.500 đồng/cp và hiện tại ngày 20/7 là 87.400 đồng/cp).
Sabeco có vẻ có nhiều người mua tiềm năng hơn, chủ yếu là các doanh nghiệp trong khu vực. Trước đây không lâu, tập đoàn San Miguel - đại gia bia Philippines cho biết đang tiến hành "định giá và có thể sẽ đề nghị mua lại" Sabeco. Ngoài ra, hàng loạt các tên tuổi trong ngành bia thế giới như Kirin Holdings, Asahi (Nhật), Heineken (Hà Lan), Singha, ThaiBev (Thái Lan), AB InBev, SABMiller (Mỹ)… cũng đang xếp hàng chờ mua cổ phiếu Sabeco.
Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tình hình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ cũng như giới đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá mới đạt 20% doanh nghiệp, bằng 76% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, phần vốn nhà nước bán ra rất thấp. Hai thương vụ thoái vốn nhà nước đáng chú ý nhất trong thời gian qua là thoái vốn tại Vinamilk và tại Vissan. Trong đó thương vụ bán vốn Vinamilk cũng được kỳ vọng nhiều nhưng không bán hết số cổ phần chào bán, mang về cho Nhà nước gần 15 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá tại các doanh nghiệp như Tập đoàn Cao Su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty phát điện 1,2,3 tại Tập đoàn Điện lực,...
Doanh nghiệp Bỉ muốn mua cổ phần Habeco, Sabeco |
Đại gia bia Philippines muốn mua cổ phần Sabeco |