|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường xây dựng kém sắc, Fecon dời thời hạn trả cổ tức sang năm 2024

11:28 | 25/10/2023
Chia sẻ
Fecon cho biết trong năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của công ty gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Fecon (Mã: FCN) vừa phê duyệt dời thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt sang quý I/2024.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra ngày 28/4 của Fecon đã thông qua việc chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ tối đa 5% (500 đồng/cp). Với hơn 157,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Fecon dự kiến chi hơn 78,7 tỷ đồng để trả cổ tức.

Căn cứ Khoản 4, Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 (hiệu lực từ ngày 1/1/2021), cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Như vậy nếu đúng theo luật, Fecon phải thanh toán cổ tức trước ngày 28/10.

 Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên của công ty. 

Lý giải nguyên nhân lùi thời hạn, Fecon cho biết, trong năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của công ty gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi.

Đầu năm 2023, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên tiến độ chào thầu cũng bị ảnh hưởng, việc ký kết hợp đồng bị kéo dài dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng cao do ảnh hưởng của các đợt tăng lãi suất cuối năm 2022. Ngoài ra, Fecon cũng cho biết, cơ quan chức năng tiến hành siết chặt, kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng nên dòng tiền từ các hoạt động này cũng khó khăn hơn.

Theo công bố hồi tháng 8, Fecon ghi nhận trúng thầu tổng cộng 1.567 tỷ đồng tại các dự án chủ yếu trong mảng xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng từ đầu năm đến cuối tháng 7. Dự kiến trong 5 tháng cuối năm, Fecon sẽ tiếp tục ký hợp đồng từ 2.000 tỷ đến 2.500 tỷ đồng trong danh mục các dự án đang và sẽ đấu thầu.

Hiện tại, Fecon chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Còn theo báo cáo tài chính bán niên 2023 hợp nhất đã soát xét, doanh thu thuần đạt 1.283 tỷ đồng, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ còn 1,5 tỷ đồng, giảm 81%. Với kết quả này, công ty mới thực hiện được 34% mục tiêu doanh thu và còn cách xa kế hoạch lãi 125 tỷ đồng năm 2023.

6 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 102 tỷ, dòng tiền thuần từ đầu tư dương 73 tỷ và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 127 tỷ đồng. Kết quả dòng tiền tiền thuần trong kỳ dương 99 tỷ.

Tính đến hết tháng 6, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 3.017 tỷ, chiếm 58% tổng tài sản, chủ yếu là phải thu từ khách hàng. Lượng tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn 287 tỷ, trong khi đó dư nợ tài chính 2.962 tỷ. Nửa đầu năm, chi phí lãi vay phải trả hơn 137 tỷ.

Minh Hằng

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).