Thị trường Trung Quốc 'hút' dừa Bình Định
Dừa được bóc vỏ để XK sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Dương Lam.
Tuy nhiên, con đường mà quả dừa của Bình Định đi vào thị trường Trung Quốc không được mấy hanh thông, nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
Giá "nóng, lạnh" do xuất thô
Bình Định là tỉnh có diện tích dừa lớn thứ 3 cả nước, sau Bến Tre và Trà Vinh. 10.000ha dừa đang có ở tỉnh này tập trung ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát; sản lượng đạt khoảng 97.368 tấn/năm, tương đương 81 triệu quả. Trong đó, dừa tươi dùng để uống nước là 16 triệu quả, số còn lại hầu hết được xuất khẩu đi Trung Quốc.
Điều đáng nói là mặc dù Bình Định đang sở hữu nguồn nguyên liệu dừa rất lớn, nhưng ngành chế biến dừa ở tỉnh này hiện còn rất yếu, chỉ mỗi HTX Nông nghiệp Ngọc An ở huyện Hoài Nhơn là có chế biến tinh dầu dừa, tuy nhiên quy mô còn rất nhỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX Ngọc An, cho biết hiện năng lực chế biến tinh dầu dừa của HTX chỉ đạt khoảng từ 30.000 - 36.000 lít/năm.
Do đó, nguyên liệu cần cho hoạt động này cũng rất ít. “Số lượng dừa nguyên liệu HTX dùng để chế biến tinh dầu dừa chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng dừa của cả tỉnh. Hoạt động chủ yếu của HTX là thu mua dừa khô trong các hộ thành viên và trong dân để xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Nghiệp nói.
Hiện nay thị trường Trung Quốc chủ yếu nhập dừa nguyên quả. Dừa khô được bóc lớp vỏ ngoài, phần sọ dừa bên trong còn nguyên nước được phía Trung Quốc thu mua rất mạnh.
Cũng theo ông Nghiệp, trong tổng sản lượng dừa hàng năm của Bình Định, chiếm phần lớn là được cung ứng cho thị trường Trung Quốc. Đó chỉ mới là nói riêng về dừa ở Bình Định, số lượng dừa mà các địa phương trong nước bán cho Trung Quốc con số “khủng” hơn rất nhiều.
Do tiêu thụ dừa với số lượng lớn như vậy, nên hiện thị trường Trung Quốc đang quyết định giá dừa tại Việt Nam. Khi thị trường Trung Quốc “ấm” lên thì giá dừa ở Việt Nam “leo thang”; còn nếu thị trường Trung Quốc “đóng băng” thì dừa Việt Nam lập tức “tuột dốc”.
“Ví như vào thời điểm này năm ngoái, giá dừa tại địa phương tăng đến 15.000 đồng/quả do thị trường Trung Quốc thu mua dừa ào ạt. Thế nhưng hiện nay Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch, dừa không xuất được nên giá tuột xuống chỉ còn 5.000 đồng/quả, mất đứt 2/3 giá so với năm ngoái”, ông Nghiệp bộc bạch.
Dây chuyền sấy lạnh và ép lạnh dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An. Ảnh: Dương Lam.
Xuất thô, ngoài phải lệ thuộc hoàn toàn vào sự “nóng, lạnh” của thị trường Trung Quốc, hiệu quả kinh tế từ dừa mang lại cũng chưa cao. Đã vậy, lại phải xuất khẩu dừa thông qua trung gian, nên mức lợi nhuận của HTX Nông nghiệp Ngọc An từ hoạt động này mang lại cũng không đáng kể.
Về việc vì sao HTX Nông nghiệp Ngọc An xuất khẩu dừa sang Trung Quốc phải thông qua trung gian, ông Nguyễn Ngọc Nghiệp trần tình: “Mình chưa thông thạo đường đi nước bước trong chuyện xuất khẩu dừa sang Trung Quốc, nên hiện HTX chỉ mua gom, bán lại cho đơn vị trung gian, sau đó đơn vị trung gian chở đi Trung Quốc bằng đường bộ như chở dưa hấu.
Không thể cân đo đong đếm, nhưng ước tính hàng năm HTX thu mua khoảng 75% tổng sản lượng dừa ở Bình Định để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc mua dừa nguyên quả về để chế biến sâu thành nhiều sản phẩm từ dừa có giá trị kinh tế rất cao”.
Chế biến sâu - “sinh lộ” của dừa
“Phải sử dụng hiệu quả tất cả các bộ phận của cây dừa thì mới thấy hết giá trị của nó”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ khẳng định.
Theo TS Cường, không có loại quả nào như quả dừa, tất tần tật từ thân cây, vỏ đến sọ dừa, cơm dừa và nước dừa đều có thể sử dụng. Vỏ quả dừa (còn gọi là xơ dừa) được ép thành bánh, cho vào những chất dinh dưỡng cho cây trồng, sau đó xuất khẩu sang những nước làm nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng và phát triển nông nghiệp đô thị.
Sọ dừa thì được chế biến thành than hoạt tính, loại than đang được các nước châu Âu thu mua mạnh với giá trị cao. Thân cây dừa được tách sợi để làm đồ thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng, phù hợp với xu thế của xã hội hiện nay là không dùng đồ vật làm bằng nhựa tái chế, nên những sản phẩm thân thiện với môi trường được làm từ dừa sẽ được người tiêu dùng cả thế giới ưa chuộng.
Vỏ dừa được phơi để ép thành bánh cung ứng cho những cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Dương Lam.
Ông Nguyễn An Điềm, nguyên Chủ tịch HĐQT TCty Pisico Bình Định, người rất tâm đắc với cây dừa, cho biết thêm: Cơm dừa ngoài chế biến tinh dầu, còn là nguyên liệu để chế biến thành nhiều sản phẩm đặc biệt khác là sữa dừa, kem dừa dưỡng da, sấy khô chế biến thành nhân bánh sôcôla, nhân các loại bánh lương thực khác.
“Trung Quốc còn dùng cơm dừa để ép ra một loại nước giải khát gọi là sữa dừa có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, phù hợp cho trẻ em phát triển thể chất.
Xơ dừa ở Việt Nam mới chỉ được làm nguyên liệu để dệt thảm chùi chân hoặc làm dây dừa, còn Nhật Bản nhập chỉ xơ dừa về để sản xuất nệm ghế xe ô tô cao cấp. Mút cao su làm nệm ghế xe ô tô không có sức hút tự nhiên, sẽ gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng các nước tiến bộ không ưa chuộng. Trong khi đó nệm ghế ô tô làm bằng xơ dừa hút ẩm, hút mồ hôi rất tốt”, ông Điềm phân tích thêm.
Vấn đề được đặt ra là phải làm gì để dừa đem lại tối đa giá trị gia tăng, trả lời câu hỏi này, TS Hồ Huy Cường, khẳng định không gì khác hơn là phải chuyển đổi mạnh từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu những sản phẩm từ dừa, tạo đầu ra cho dừa nguyên liệu.
Đây cũng là khát vọng của HTX Nông nghiệp Ngọc An. Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX, cho rằng hoạt động chế biến tinh dầu dừa của đơn vị đã đi qua khỏi ngưỡng khởi nghiệp, sản phẩm đã thuyết phục được người tiêu dùng.
Tinh dầu dừa của HTX Nông nghiệp Ngọc An đã có mặt tại các siêu thị và các đại lý trong tỉnh và được giới thiệu với người tiêu dùng trong cả nước. Nếu được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy chế biến tinh dầu dừa, thì hiệu quả kinh tế từ dừa mang lại sẽ đạt cao hơn.
“Để chế biến ra 1 lít tinh dầu dừa, cần đến 20 quả dừa nguyên liệu. Gía dừa nguyên liệu hiện chỉ có 5.000 đồng/quả, 20 quả vị chi là 100.000 đồng. Trong khi đó, nếu bán “xô” thì tinh dầu dừa có giá 200.000 đồng/lít, còn nếu đóng chai thì giá trị tăng đến 700.000 - 800.000 đồng/lít.
So sánh giữa xuất bán quả thô cho thị trường Trung Quốc và nếu số lượng dừa xuất khẩu hàng năm được đưa vào chế biến sâu thì thấy rõ mức chênh lệch là rất lớn”, ông Nghiệp tính toán
Hiện HTX Nông nghiệp Ngọc An đang sở hữu dây chuyền chế biến tinh dầu dừa có giá trị khoảng 3 tỷ đồng, mỗi năm sản xuất được từ 30.000 - 36.000 lít dầu. Nếu muốn nâng cao năng lực sản xuất, việc đầu tiên là cần phải có kinh phí để đầu tư nâng cấp hệ thống dây chuyền.
“Khi đầu ra đã ổn định thì việc đầu tư mở rộng sản xuất chúng tôi không lo. Bởi tỉnh có rất nhiều chương trình hỗ trợ và chúng tôi có thể huy động vốn từ các thành viên HTX”, ông Nghiệp nói.
"Ngành nông nghiệp tỉnh đang tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Hà Lan để xây dựng mô hình nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm từ dừa tại huyện Hoài Nhơn, trước tiên là hỗ trợ HTX Nông nghiệp Ngọc An xây dựng tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết, cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác, xây dựng và quảng bá thương hiệu dầu dừa tinh khiết và sản phẩm bánh tráng nước dừa của HTX", bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định.