|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ thêm khó?

21:48 | 11/11/2017
Chia sẻ
Với việc ban hành dự thảo thông tư mới, có thể hiểu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang muốn siết lại hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức tín dụng (TCTD) vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
thi truong trai phieu doanh nghiep se them kho
Ảnh minh họa.

Nhưng những quy định mới này có gây khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như thị trường TPDN nói chung hay không là vấn đề cần được cân nhắc thấu đáo.

Các TCTD sẽ không được đầu tư vào TPDN nhằm cơ cấu lại nợ

Mới đây, NHNN đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016 quy định về mua TPDN của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD).

Theo dự thảo thông tư này, TCTD không còn được mua TPDN phát hành có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14-10-2011 của Chính phủ về phát hành TPDN thì doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu với ba mục đích: (1) thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp; (2) tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp; (3) cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi mua TPDN, ngoài việc phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, ban hành quy định nội bộ về mua TPDN, các TCTD còn phải thực hiện quy định tại điểm đ của khoản 2, điều 3 của dự thảo. Cụ thể, các TCTD phải “quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này phù hợp với tình hình đánh giá của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo từng thời kỳ. Kiểm soát chặt chẽ việc mua TPDN phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao theo đánh giá của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm kịp thời phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp”. Theo giải trình của ban soạn thảo, hoạt động mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, chứng khoán... sẽ phát sinh rủi ro cho hoạt động của TCTD. Do vậy, NHNN cần yêu cầu TCTD ban hành quy định nội bộ kiểm soát chặt chẽ vấn đề này nhằm hạn chế rủi ro.

Cần cái nhìn công bằng hơn

Về phía các doanh nghiệp, đúng là rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phát hành trái phiếu nhằm mục đích cơ cấu nợ tại các TCTD. Tuy vậy, trên thực tế, không phải tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ đều xuất phát từ động cơ “nuôi nợ”.

Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ nhằm giảm chi phí tài chính trong điều kiện mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Điển hình như trong giai đoạn 2011-2012, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã phải chịu lãi suất đi vay lên tới 20%/năm. Sau giai đoạn đó, lãi suất đã giảm dần xuống quanh mức 10%/năm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trả nợ cho các khoản vay trước đó với chi phí thấp hơn hẳn. Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đôi khi tiết kiệm được một vài phần trăm lãi suất để tiết giảm chi phí tài chính là đã tạo được sự khác biệt lớn trong cạnh tranh. Nhu cầu này của doanh nghiệp vì thế là hoàn toàn chính đáng.

Do vậy, thay vì cấm hoàn toàn, NHNN nên xem xét chỉ hạn chế việc TCTD đầu tư TPDN để cơ cấu cho chính khoản nợ tại TCTD đó, hoặc có thể yêu cầu minh bạch thông tin trong hoạt động phát hành và đầu tư TPDN cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau đầu tư.

Về phía thị trường TPDN nói chung, hiện các ngân hàng chiếm tới 75% khối lượng trái phiếu phát hành. Nếu hạn chế TCTD đầu tư vào TPDN với mục đích cơ cấu nợ chính đáng thì vô hình trung đã thu hẹp phần nào cơ hội huy động vốn của doanh nghiệp. Hiện TPDN chỉ có thể trông chờ nhiều vào người mua là các ngân hàng vì nhà đầu tư cá nhân rất ít tham gia vào thị trường này do khó thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu các công ty định mức tín nhiệm uy tín nên việc xếp hạng trái phiếu do doanh nghiệp phát hành gặp nhiều khó khăn, càng tăng thêm rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân.

Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt thì Chính phủ phấn đấu đưa dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030 (hiện mới đạt khoảng 1% GDP). Để làm được điều này thì cần rất nhiều giải pháp đồng bộ như phát triển thêm sản phẩm, đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư, cho phép nhiều công ty định mức tín nhiệm hoạt động, có cơ chế ưu tiên thuế cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, hiện đại hóa công nghệ thông tin... Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nếu nội dung cấm các TCTD đầu tư vào TPDN với mục đích cơ cấu lại nợ trong dự thảo thông tư này được thông qua, những mục tiêu trên chắc chắn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng!

Linh Trang