|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường thịt heo 10 tỉ USD và cuộc chiến giữa những 'gã khổng lồ' tại Việt Nam

19:30 | 25/07/2019
Chia sẻ
Năm 2018, CP Việt Nam đạt doanh thu hơn 2 tỉ USD đối với chuỗi 3F (Feed - Farm - Food), đây cũng là mục tiêu của Masan MEATLife vào năm 2022.
1551858220542_7779204

Thị trường thịt heo tại Việt Nam giá trị hơn 10,2 tỉ USD

Chính thức đổi tên từ Masan Nutri - Science (MNS) sang Masan MEATLife (MML), Công ty con của Tập đoàn Masan (Masan Group) đang thể hiện tham vọng mạnh mẽ của mình đối với ngành thịt. Nơi có quy mô thị trường 100 triệu dân, tổng giá trị hơn 10,2 tỉ USD chỉ riêng với thịt heo, gấp 2,5 lần ngành sữa.

Một thị trường mà ban lãnh đạo của Masan đánh giá vẫn còn chưa được chuẩn hóa, rời rạc và nhiều sản phẩm chưa an toàn cho sức khỏe. 

"Khi thành lập Masan Nutri-Science vào năm 2015, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là cung cấp nguồn đạm động vật chất lượng cho người tiêu dùng Việt Nam", ông Danny Lê - Chủ tịch MNS, nay là Masan MEATLife nói về tầm nhìn của công ty. 

Năm 2015, Masan mua lại CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), từ đó thành lập Masan Nutri - Science thâm nhập vào thị trường thức ăn chăn nuôi trị giá 6 tỉ USD thời điểm đó. 

Trong hai năm trở lại đây, Masan tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị thịt tích hợp 3F (Feed - Farm - Food) từ trang trại đến bàn ăn gồm ba hoạt động chính: sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi và thực phẩm. 

Cuối năm 2018, Masan đã đưa vào hoạt động chăn nuôi heo kỹ thuật cao đầu tiên tại Nghệ An và tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam. Khi hoạt động hết công suất, trang trại của Masan có thể cho ra từ 230.000 - 250.000 con heo thịt mỗi năm; đối với tổ hợp chế biến, công suất là gần 1,4 triệu con heo thịt mỗi năm. 

Masan cũng đồng thời cho ra mắt thương hiệu thịt MEATDeli qua các cửa hàng riêng, ngoài ra còn có mặt tại chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích Vinmart - Vinmart+ (thuộc Tập đoàn Vingroup). 

Đến nay, MEATDeli đã có 125 điểm bán riêng tại Hà Nội và có kế hoạch giới thiệu sản phẩm vào thị trường TP HCM vào tháng 9 tới. MEATDeli dự kiến đạt doanh thu từ 500 – 1.000 tỉ đồng trong năm 2019 với hơn 500 điểm bán tại miền Bắc và miền Nam. 

msn 1

Doanh thu của Masan MEATLife giai đoạn 2015 - 2018, doanh thu tăng trưởng mạnh năm 2016 do bùng nổ chăn nuôi heo, sau đó sụt giảm từ năm 2017 do khủng hoảng ngành, giá thịt heo giảm dẫn đến cầu về thức ăn chăn nuôi giảm theo.

Thực tế kì vọng của cá nhân Chủ tịch Masan Group Lê Đăng Quang và ban lãnh đạo Tập đoàn lên tới 2 tỉ USD đem về cho Masan MEATLife vào năm 2022, trong đó 50 - 70% đóng góp từ mảng thịt có thương hiệu (tức là từ 1 đến 1,4 tỉ USD), lợi nhuận dự kiến đem về từ 200 - 250 triệu USD.

Ông Quang cho rằng, việc sở hữu một chuỗi giá trị tích hợp sẽ giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh và các biến động bất ngờ. Hơn nữa, ngành hàng cám có thể  mang lại tăng trưởng lợi nhuận từ 10 – 15% trong trung hạn.

Xuất phát điểm của Masan MEATLife là cung cấp giải pháp hiệu suất chăn nuôi cho người nông dân, nhưng đích đến sẽ hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu thịt ngon và sạch cho người tiêu dùng.

Masan MEATLife là công ty hàng tiêu dùng, kết quả tài chính sẽ được thể hiện vào năm 2022, Chủ tịch Masan Group cho biết trong báo cáo thường niên năm 2018 của Tập đoàn.

Tại Việt Nam, "gã khổng lồ" trong ngành thực phẩm Charoen Pokphand Foods (CPF), thành viên của CP Group (Thái Lan) là kẻ đi trước Masan và cũng triển khai mô hình 3F tương tự. Năm vừa qua, CPF kỉ niệm 25 năm có mặt tại Việt Nam, nơi đóng góp tới 16% doanh thu của Tập đoàn này trên toàn thế giới. 

Doanh thu 2018 của CP Việt Nam vượt mốc 2 tỉ USD, tương đương gần 57.000 tỉ đồng. Mức tăng trưởng của công ty Thái tại thị trường Việt Nam đạt 26%, là cao nhất trong các thị trường.

cp 1

Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 của CPF sau Thái Lan và Trung Quốc

Cơ cấu doanh thu có 83% liên quan đến mảng thịt sống, 47.300 tỉ đồng (chủ yếu thịt heo và thịt gà); 17% liên quan đến thủy sản, 9.690 tỉ đồng (chủ yếu là tôm). 

Còn theo cơ cấu 3F, mảng Feed chiếm 34% (gần 19.400 tỉ đồng); Farm chiếm 63% (hơn 35.900 tỉ đồng); mảng Food sau 6 năm triển khai chỉ đóng góp được 3% trên tổng doanh thu (khoảng 1.700 tỉ đồng). 

Nếu so sánh cơ cấu này với các thị trường khác của CPF, thị trường Việt Nam tỏ ra thiếu cân bằng hơn so với Thái Lan (thị trường mẹ) và các nước phương Tây. Ở Thái Lan, cơ cấu Feed - Farm - Food lần lượt là 28% - 47% - 25%. Còn tại Trung Quốc, mảng thức ăn chăn nuôi (Feed) lại đóng vai trò chủ đạo với 82%, Farm chiếm 14% và Food (thực phẩm) chỉ 4%. 

cp 3

Cơ cấu doanh thu 3F tại các thị trường của CPF (Nguồn: CPF)

Như vậy, dư địa của mảng thực phẩm (Food) tại cả Việt Nam và Trung Quốc đang chưa được CPF khai thác nhiều. 

Theo số liệu tổng hợp của người viết, trong hai năm đầu triển khai tại Việt Nam, mảng Food của CP tăng trưởng khá nhanh khoảng hơn 80%, tuy nhiên bắt đầu chững lại ở năm thứ ba.

Doanh thu mảng Food quanh quẩn khoảng 2 tỉ Baht trong vài năm liền sau đó do biến động của giá heo, và tình trạng thừa cung trước khi tăng trưởng trở lại ở mức 14% trong năm 2018. 

Thực tế, mảng chăn nuôi (Farm) chính là con át chủ bài trong hoạt động kinh doanh của CP tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng cao, khả năng hồi phục nhanh sau khủng hoảng.

Như năm 2017, doanh thu từ Farm của CP sụt giảm 22% do khủng hoảng nguồn cung, thì ngay năm sau đó công ty Thái đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 50%, đồng thời đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử. 

Trong khi đó, mảng Feed có độ trễ lớn hơn, hồi phục chậm hơn; hai năm gần đây doanh thu mảng này của CP giảm lần lượt 10% và 2%. 

cp 2

Mảng Feed của CP Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm

Như vậy, thị trường thịt sẽ là mặt trận chính của các "đại gia" trong những năm tới gồm CP, Masan và Dabaco…

Dư địa của thị trường thịt heo 10,2 tỉ USD vẫn còn là rất lớn, bài toán các doanh nghiệp trong ngành cần phải là làm sao để giành lấy thị phần của kênh truyền thống với 98% sản lượng tiêu thụ là thịt tươi. 

Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng thay đổi đang ủng hộ phía doanh nghiệp khi mà số lượng cửa hàng tiện ích và mua sắm trực tuyến ngày càng nở rộ, tạo điều kiện cho các sản phẩm như thịt mát.

Ngoài ra, vấn đề thịt nhập khẩu giá rẻ cũng đang là thách thức mà các doanh nghiệp sản xuất thịt lớn trong nước quan tâm, nhất là đối với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá bán thấp hơn nhiều giá sản xuất trong nước. 

Thống kê của Cục Hải quan TP HCM cho thấy, 6 tháng đầu năm, thành phố đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt heo, tăng gần 4.800 tấn về lượng, gần 8,1 triệu USD kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng nhiều nhất từ Brazil với 2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD; Mỹ 874 tấn với 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn với 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn với 620.000 USD; Hà Lan 210 tấn với 431.000 USD

Theo đánh giá của Sở Công Thương, lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá heo hơi trong nước. Ngoài ra, từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt heo từ quốc gia Nam Mỹ nên lượng heo nhập tăng đột biến.

Bạch Mộc