|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường thế giới: hàng hóa bị bán tháo, USD tăng, chứng khoán trái chiều

06:41 | 25/08/2016
Chia sẻ
Chốt phiên 24/8, trong khi thị trường kim loại quý, dầu và USD đồng loạt đảo chiều so với phiên trước thì các sàn chứng khoán lớn lại không tìm được xu hướng chung.
thi truong the gioi hang hoa bi ban thao usd tang chung khoan trai chieu

Trên thị trường kim loại quý, vàng, bạc, bạch kim và palladium đều bị bán tháo, giảm ít nhất 1% trong cả phiên 24/8 do USD tăng giá và tâm lý e ngại đầu tư.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống còn 1.324,66 USD/ounce vào lúc 15h06 tại New York. Giá vàng giao tháng 12/2016 cũng giảm 1,2% xuống 1.329,70 USD/ounce, với hơn 12 nghìn hợp đồng được giao dịch chỉ trong vòng 1 phút ở đầu phiên - thời điểm giá vàng giảm mạnh 9 USD xuống dưới ngưỡng trung bình của 50 phiên gần đây.

Phó chủ tịch của Quỹ quản lý Kim loại Heraeus (Mỹ) - ông Miguel Perez-Santalla cho biết, giới đầu tư liên tiếp bán tháo vàng trong phiên 24/8 với tổng số 40 nghìn hợp đồng được giao dịch chỉ trong vòng 30 phút.

Theo công cụ khảo sát FedWatch của tập đoàn CME, thị trường đang đánh giá rằng có 21% cơ hội Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 9/2016 và 50% cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất 1 lần vào cuối năm nay.

Ngoài vàng, bạc, bạch kim và palladium cũng bị bán tháo mạnh khi Hải quan Trung Quốc cho biết nhập khẩu bạc và bạch kim của nước này lần lượt giảm 36% và gần 50% trong tháng 7/2016.

Cụ thể, giá bạc giảm 1,2% sau khi đã giảm liên tiếp trong 3 phiên trước đó. Giá bạch kim và palladium cũng lần lượt giảm 1,6% và 2,8% trong cả phiên 24/8.

Trong khi vàng bị bán tháo thì USD lại trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của thị trường nhờ số liệu kinh tế khả quan của Mỹ. Cụ thể theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Quốc gia Mỹ, doanh số bán nhà mới trong tháng 7 tại nước này đã chạm kỷ lục gần 9 năm.

Trong khi thị trường vẫn đang mơ hồ về chính sách lãi suất của Fed thì số liệu này trở thành động lực khiến giới đầu tư đổ tiền vào đồng bạc xanh. Chốt phiên 24/8, chỉ số đôla tăng 0,2% lên 94,764. Trong đó, USD tăng 0,2% so với yen lên 100,40 yen và euro giảm 0,4% so với USD xuống 1,1264 USD.

Trên thị trường hàng hóa mềm, giá dầu thô cũng bất ngờ quay đầu giảm sau 2 tuần tăng liên tiếp, do lo ngại về nguồn cung dư thừa. Theo đó, Ủy ban Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm qua cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 2,5 triệu thùng vào tuần trước; tồn kho xăng và các sản phẩm khác cũng có xu hướng tăng dần.

Kết quả là, giá dầu WTI của Mỹ giảm 2,8% xuống 46,77 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,8% xuống 49,05 USD/thùng.

Trên thị trường chứng khoán, trong khi cổ phiếu tại châu Âu đồng loạt xanh sàn thì Phố Wall lại mất điểm vì cổ phiếu vật liệu và y tế.

Tại Mỹ, ba chỉ số chứng khoán lớn, gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, lần lượt giảm 0,35%, 0,52% và 0,81%, với khoảng 6,09 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn. Trong đó, cổ phiếu y tế giảm 1,6% - mức giảm lớn nhất kể từ ngày 24/6 và cổ phiếu vật liệu giảm 1,2%.

Trong vài phiên gần đây, khối lượng giao dịch trên Phố Wall ở mức khá thấp so với mức trung bình, chủ yếu vì giới đầu tư đang chờ đợi tín hiệu rõ ràng từ Fed về chính sách lãi suất vào cuối tuần này.

Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 chốt phiên tăng 0,4% và ghi nhận 3 phiên tăng liên tiếp nhờ cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á đang hứng chịu làn sóng bán tháo mạnh, bắt nguồn từ thị trường Hong Kong. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 0,4% vào lúc 16h19 tại Hong Kong, với chỉ số Hang Seng giảm mạnh nhất trong 3 tuần qua.

Điểm sáng duy nhất tại châu Á là thị trường Nhật Bản với chỉ số Topix tăng 0,7% nhờ yen suy yếu so với USD.

Kim Dung