Thị trường thanh toán xuyên biên giới mà fintech nào cũng thèm khát
Tại sự kiện Singapore Fintech Festival (SFF) gần đây, Tencent và Ant Group đã thể hiện tham vọng mở rộng toàn cầu. Hai tập đoàn công nghệ Trung Quốc này là nhà tài trợ chính của sự kiện, theo Tech in Asia.
Là những gã khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán số tại Trung Quốc, họ đã chọn Đông Nam Á làm điểm khởi đầu cho kế hoạch phát triển quốc tế. Sự xuất hiện tại SFF nhấn mạnh mục tiêu của họ vào thanh toán xuyên biên giới, một lĩnh vực được dự báo đạt giá trị 250.000 tỷ USD vào năm 2027.
Theo Citigroup, sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi thương mại quốc tế, thương mại điện tử và chuỗi cung ứng ngày càng mở rộng. Thị trường này mang lại doanh thu hàng năm khoảng 200 tỷ USD cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
Đối với Tencent và Ant, việc chiếm được dù chỉ một phần nhỏ của thị trường này cũng đủ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cách tiếp cận của hai công ty lại rất khác nhau khi mở rộng ra ngoài Trung Quốc.
Tencent đang tập trung vào thanh toán xuyên biên giới thông qua nền tảng nhắn tin WeChat. Người dùng tại Đông Nam Á cần tải ứng dụng này để truy cập Tenpay, giải pháp thanh toán quốc tế của Tencent.
Mặc dù WeChat rất tiện lợi cho khách du lịch và cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, nhưng mô hình “tải ứng dụng trước” không phù hợp với hệ thống thanh toán liên kết chặt chẽ tại Đông Nam Á.
Chẳng hạn, tại Singapore và Thái Lan, người dùng có thể sử dụng các dịch vụ như PayNow và PromptPay. Đây không phải là ứng dụng độc lập mà là hệ thống được tích hợp sẵn trong các ứng dụng ngân hàng, cho phép giao dịch xuyên biên giới mà không cần tải thêm phần mềm.
Tencent đã nhận được giấy phép tổ chức thanh toán lớn tại Singapore, cho thấy ý định mở rộng thị phần tại khu vực. Tại SFF năm nay, Tencent cũng công bố hợp tác với Visa để giới thiệu công nghệ nhận diện lòng bàn tay cho thanh toán kỹ thuật số tại thị trường quốc tế.
Dù vậy, giải pháp này chỉ mang lại chút tiện lợi cho một số người dùng và chưa giải quyết được thách thức chính: làm sao tích hợp vào cơ sở hạ tầng ngày càng mở của Đông Nam Á. Tencent vẫn phụ thuộc nhiều vào WeChat, một nền tảng tập trung vào người dùng Trung Quốc, và điều này có thể khiến người dùng quen với các công cụ ngân hàng địa phương cảm thấy không thoải mái.
Tại Trung Quốc, Tencent hưởng lợi lớn từ các quy định bảo vệ và luật bảo mật, tạo ra một hệ sinh thái khép kín để WeChat Pay phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở thị trường quốc tế, những lợi thế này không còn rõ ràng, khiến việc xây dựng quan hệ đối tác khu vực của Tencent gặp nhiều khó khăn trong một thị trường hướng tới sự kết nối và hợp tác xuyên biên giới.
Trong khi đó, Ant Group bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa từ năm 2015, chủ yếu để phục vụ khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Kể từ đó, sự phát triển quốc tế của Ant dựa chủ yếu vào việc hình thành các mối quan hệ đối tác địa phương, thay vì tìm cách kiểm soát toàn bộ thị trường.
Ant đã tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực tế ngay cả trong những giai đoạn khó khăn, như vụ đình chỉ niêm yết kép tại Thượng Hải và Hong Kong vào năm 2020, hay khoản phạt 984 triệu USD vào tháng 7 vừa qua. Đây được coi là dấu mốc chấm dứt giai đoạn siết chặt quản lý của chính phủ Trung Quốc với công ty.
Ant International, bộ phận kinh doanh toàn cầu của Ant, đang hợp tác với các nhà cung cấp ví điện tử, ngân hàng và mua lại các công ty tại Đông Nam Á. Họ tập trung vào khả năng thích ứng thay vì tìm cách thống trị thị trường bằng ứng dụng độc lập.
Giải pháp Alipay+ của Ant nhấn mạnh tính linh hoạt và khả năng tiếp cận. Giải pháp này kết nối nhiều phương thức thanh toán khác nhau và hỗ trợ giao dịch xuyên biên giới tại châu Á. Người dùng ví điện tử từ nhiều nền tảng khác nhau có thể giao dịch giữa các quốc gia mà không cần tải thêm ứng dụng hoặc đăng ký tài khoản Alipay.
Ví dụ, người dùng TrueMoney tại Thái Lan có thể sử dụng ví điện tử của mình tại Philippines, nơi Ant đã hợp tác với GCash. Ant cũng đầu tư vào các công ty mẹ của hai nền tảng này là Ascend Money và Mynt.
Ngoài thanh toán, Ant còn mở rộng sang hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tài trợ thương mại điện tử xuyên biên giới và cung cấp các công cụ số cho đối tác.