|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường smarthome Việt Nam ước đạt gần nửa tỷ USD vào năm 2026

11:46 | 28/04/2022
Chia sẻ
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ, quy mô thị trường các thiết bị nhà thông minh tại Việt Nam được nhận định sẽ tăng lên 250 triệu USD chỉ trong 5 năm tới đây.

Smarthome hay nhà thông minh đã ghi nhận xu thế phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Số liệu từ Statista cho thấy, doanh thu thị trường smarthome toàn cầu ước đạt 126,1 tỷ USD trong năm nay. Con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 207,8 tỷ USD vào năm 2026. 

Statista đánh giá doanh thu thị trường smarthome Việt Nam năm 2020 đạt 240 triệu USD nếu nhìn nhận khái niệm nhà thông minh ở một góc độ rộng và đang trong giai đoạn phát triển nóng.

 Nguồn: Statista, Báo cáo Smarthome Việt Nam 2022 của Lumi Việt Nam. 

Theo báo cáo Smarthome Việt Nam 2022 mới công bố của Công ty Lumi Việt Nam, một công ty chuyên về smarthome tại Việt Nam, có tới 80,5% người tham gia khảo sát cho biết từng nghe tới khái niệm "smarthome" nhưng chỉ có 10,9% từng sử dụng trực tiếp các thiết bị liên quan.

Cụ thể, trong số 10.000 người tham gia khảo sát đang sinh sống tại 3 thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM), có tới 51% cho biết từng nghe tới smarthome nhưng chưa sử dụng bao giờ; 18,6% đã nghe qua nhưng chưa hiểu, 10,9% từng sử dụng và có tới 19,5% không hề biết tới khái niệm này.

Báo cáo của Lumi ước tính doanh thu từ thị trường nhà thông minh tại nước ta hiện đạt 100 triệu USD. Con số này có thể tăng lên thành thành 250 triệu USD trong 5 năm tới đây. Ở đây Smarthome được định nghĩa là ngôi nhà có các thiết bị được kết nối internet có thể giám sát và điều khiển tự động qua hệ thống cảm biến, smartphone hoặc trợ lý ảo.

Hiện nay, Xiaomi, Lumi và BKAV là ba thương hiệu smarthome được người dùng biết đến nhiều nhất.

 Nguồn: Statista, Báo cáo Smarthome Việt Nam 2022 của Lumi Việt Nam. 

Huyền Phương

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.