Thị trường ngoại hối hôm nay 21/4: Giá dầu thô giảm về âm, nhà đầu tư tăng mua USD
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (21/4), vào lúc 17h45 giờ Việt Nam có 7/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 3 cặp còn lại tăng điểm.
Trong đó, cặp EUR/GBP tăng cao nhất với mức tăng 0,58% và cặp NZD/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 1,08%.
Biến động trên thị trường dầu mỏ thúc đẩy đồng USD
Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng USD tiếp tục tăng điểm khi nhà đầu tư chọn đồng tiền trú ẩn này giữa lúc các bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra khiến thị trường rung lắc dữ dội, đặc biệt là thị trường dầu mỏ.
Vào lúc 14h05 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính tăng 0,2% lên mức 100,278 điểm.
Khi đó, cặp tỷ giá GBP/USD giảm 0,25% xuống còn 1,2414 USD/GBP, trong khi cặp USD/JPY giảm 0,2% để giao dịch quanh mức 107,43 JPY/USD.
Trong phiên giao dịch ngày 20/4 trên sàn New York, giá dầu WTI giao tháng 5 đã giảm mạnh xuống khu vực âm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường dầu mỏ và chỉ xảy ra trước khi hợp đồng dầu thô giao tháng 5 hết hạn vào hôm nay.
Cụ thể, vào cuối phiên 20/4, giá dầu WTI giao tháng 5 đã giảm xuống mức -37,63 USD/thùng giữa lúc cung vượt cầu và kho chứa đang dần cạn kiệt.
Theo Reuters, Tổng thống Trump mô tả đà lao dốc ngày 20/4 của giá dầu thô là ngắn hạn và xuất phát từ "áp lực tài chính".
Tuy nhiên, ông Trump khẳng định ngành công nghiệp dầu Mỹ bị ảnh hưởng do nhu cầu giảm khi mà nhiều tiểu bang áp dụng lệnh giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của đại dịch.
Ở diễn biến khác, ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đồng thời là cựu Tổng thống và Thủ tướng nước này, hôm nay cho hay ông nghi ngờ rằng có một cuộc dàn xếp giữa các nhà cung ứng dầu thô đứng sau đà lao dốc kỉ lục hôm 20/4.
"Giá dầu thô đang phục hồi từ mức thấp kỉ lục trên, tuy nhiên rất nhiều công ty sẽ bị ảnh hưởng và làn sóng phá sản có thể được kích hoạt trong thời gian tới", ông Shane Oliver - người đứng đầu bộ phận đầu tư chiến lược kiêm nhà kinh tế trưởng tại AMP Capital Investors, chia sẻ với CNBC.
"Nếu giá dầu giảm, đồng USD có thể hưởng lợi vì là kênh đầu tư an toàn. Điều duy nhất có thể kiềm hãm đồng USD là Cục Dự trự Liên bang Mỹ (Fed) khi mà cơ quan này đã nới lỏng định lượng tích cực hơn bất kì NHTW nào khác trên thế giới", ông Oliver nói thêm.
Trước thềm cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) về biện pháp cứu trợ kinh tế khu vực vào ngày 23/4, đồng EUR cũng đang được nhà đầu tư quan sát kĩ.
Vào lúc 14h05 giờ Việt Nam, cặp tỷ giá EUR/USD giảm 0,2% xuống còn 1,0841 USD/EUR.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều khả năng sẽ phải chịu áp lực lớn, buộc bà phải đồng ý tài trợ cho gói cứu trợ kinh tế thông qua việc phát hành công cụ chia sẻ nợ chung - một chủ đề đã được tranh luận sôi nổi trong các cuộc họp trước của nhóm bộ trưởng tài chính EU.
Vào hôm qua, chính phủ Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch tạo ra một quĩ cứu trợ kinh tế chung trị giá khoảng 1.500 tỉ euro (tương đương 1,63 nghìn tỉ USD) để hỗ trợ các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19.
Mặc dù có một số hãng tin cho biết bà Merkel có thể đã sẵn sàng chấp nhận kế hoạch của Tây Ban Nha, thị trường trái phiếu lại không mấy mặn mà vì mức chênh lệch giữa trái phiếu chính phủ Đức rủi ro thấp với trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Italy.