Thị trường ngoại hối hôm nay (21/3): USD ổn định sau tuyên bố của Fed, nỗi sợ hãi về Brexit trở lại
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (21/3), vào lúc 19h28 giờ Việt Nam (12h28 GMT) có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.
Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: investing)
Trong đó, cặp NZD/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,31% và cặp GBP/JPY giảm nhiều nhất với mức giảm 0,71%.
Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: investing)
USD ổn định lại, Bảng Anh giảm trước nỗi sợ hãi Brexit không thoả thuận
Đồng USD đang ổn định lại vào ngày giao dịch ngày thứ Năm (21/3) sau khi giảm mạnh trước tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ không tăng lãi suất trong năm nay, báo hiệu cho sự kết thúc của toàn bộ chu kì thắt chặt.
Theo chiến lược gia Lee Ferridge, Fed dường như đang quan tâm nhiều hơn đến lạm phát trong tương lai và chu kì thắt chặt kéo dài nhiều năm thực sự đã kết thúc.
Chỉ số US Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đã mất hơn 0,5% khi phản ứng với tin tức này nhưng sau đó nó đã phục hồi trở lại.
Đồng euro đã tăng lên mức 1,1422 USD, chỉ sau mức cao nhất trong 6 tuần là 1, 1438 USD, trong khi đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần so với đồng yen Nhật tại 110,36 JPY.
Báo cáo của Fed cho biết sẽ không thực hiện tăng lãi suất trong năm 2019 và sẽ chỉ tăng một lần vào năm 2020. Fed cũng chỉ ra rằng họ sẽ chấm dứt chính sách "thắt chặt định lượng" hay giảm bảng cân đối kế toán trong nửa cuối năm nay.
Hàm ý đề cập đến sự quan tâm của Fed về sức khoẻ nền kinh tế cũng khiến thị trường bất ngờ sau khi Chủ tịch Jerome Powell nhắc đi nhắc lại với những người khác rằng nền kinh tế đang vẫn tốt.
Tuy nhiên, những dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới đã chỉ ra sự suy giảm mạnh trong năm nay trước cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, một vấn đề dường như không thể giải quyết sau khi Tổng thống Donald Trump nói hôm thứ Tư (20/3) rằng ông dự định sẽ áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc tại thời điểm quan trọng hiện tại.
Ông Trump cũng bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng tuân thủ của Trung Quốc với bất kỳ thỏa thuận nào có thể xảy ra trong thời gian tới.
Một yếu tố khác tác động lên đồng USD là nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang cho thấy lập trường chính sách lỏng lẻo hơn. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quay trở lại kì vọng thắt chặt chính sách vì nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại (nhất là do ảnh hưởng của Brexit). Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE dự kiến sẽ họp vào cuối ngày hôm nay.
Nỗi sợ về một Brexit hỗn loạn đã quay trở lại thị trường châu Âu sau bài phát biểu của Thủ tướng Theresa May vào cuối ngày thứ Tư. Trong đó nêu ra hai lựa chọn hoặc thỏa thuận Brexit (đã hai lần bị Quốc hội từ chối) hoặc một "Brexit không thỏa thuận". Yêu cầu gia hạn ba tháng của bà từ hạn chót ngày 29/ 3 sẽ được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh EU vào thứ Năm tuần sau. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy việc có được thỏa thuận nhất trí cần thiết từ 27 nhà lãnh đạo khác sẽ càng khó khăn.
Đồng bảng Anh giảm điểm so với USD và EUR, về mức 1,3186 USD và 1,1541 EUR khi bài phát biểu của bà May gần như lấn át hoàn toàn động lực tăng điểm sau quyết định của Fed.