Thị trường ngoại hối hôm nay (11/3): USD ít biến động, bảng Anh chịu áp lực mới
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (11/3), vào lúc 18h45 giờ Việt Nam (11h45 GMT) có 2/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm, một cặp giữ giá và 7 cặp còn lại tăng điểm.
Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: investing)
Trong đó, cặp EUR/GBP tăng cao nhất với mức tăng 0,19% và cặp GBP/USD giảm nhiều nhất với mức giảm 0,12%.
Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: investing)
USD ít biến động, bảng Anh chịu áp lực mới
Chỉ số US Dollar Index, đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chính, giữ ổn định ở mức 97,29 lúc 8h30 GMT. Chỉ số này đã tăng lên 97,66 vào thứ Năm tuần trước (7/3), mức tốt nhất kể từ ngày 14/12/2018.
Đồng USD đã tăng một chút so với đồng yen Nhật với tỷ giá dừng ở mức 111,25 JPY/USD, thoát khỏi mức thấp nhất trong một tuần trước đó là 110,77.
Trong tuần này sẽ tiếp tục công bố các báo cáo kinh tế sau khi dữ liệu vào thứ Sáu tuần trước cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ gần như bị đình trệ vào tháng 2. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại tìm thấy một số hi vọng trong các số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống dưới 4% và thu nhập trung bình mỗi giờ tăng tốc 0,4%.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố dữ liệu về doanh số bán lẻ cho tháng 1 lúc 12h30.
Nguồn: Reuters.
Cùng với đó, đồng bảng Anh đã giảm 0,1% xuống còn 1,2998 USD sau khi giảm xuống mức thấp trong gần ba tuần là 1,2960 USD vì lo lắng về Brexit.
Đồng bảng đã chịu áp lực mới sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cho biết vào Chủ nhật rằng Brexit có thể bị đảo ngược nếu các nhà lập pháp từ chối thỏa thuận rút lui của Chính phủ.
Nhận định của ông được đưa ra sau một cảnh báo từ hai phe lớn trong Quốc hội cho rằng Thủ tướng Theresa May có thể sẽ phải đối mặt với thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội vào thứ ba về việc có phê chuẩn kế hoạch Brexit của bà hay không.
Chính phủ của bà May đang tranh giành để đảm bảo các thay đổi vào phút cuối đối với một hiệp ước Brexit trước khi Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/3.
Masafumi Yamamoto, Chiến lược gia trưởng về tiền tệ tại Mizuho Securities, cho biết các nhà giao dịch đang cắt giảm tỷ lệ nắm giữ đồng bảng vì kì vọng tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã giảm, khiến đồng tiền ngày càng nhạy cảm với các sự kiện gần, như bầu cử quốc hội.
"Hiện nay, dữ liệu lạm phát của Anh không còn mạnh như trước"... "Kì vọng tăng lãi suất sau khi tránh được "Brexit không thỏa thuận" đang mất dần" , ông nói.
Euro đã thoát khỏi mức thấp nhất từ tháng 6/2017
Trong khi đó, đồng euro tăng nhẹ lên 1,1245 USD. Đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2017 vào thứ Năm (7/3) do tín hiệu ôn hòa từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đồng euro sắp ra một tuần khó khăn, vì cặp tỷ giá EUR/USD mất 1,1% trong tuần trước.
ECB tuyên bố họ sẽ không tăng lãi suất trước năm 2020. Mặc dù điều này không đáng ngạc nhiên nhưng trước đó ECB đã được ghi nhận khi nói rằng lãi suất có thể tăng cao hơn vào cuối năm 2019. Trong một sự thừa nhận về sự chậm lại của khu vực đồng euro, ECB đã công bố tăng cho vay dài hạn đối với các ngân hàng eurozone và cắt giảm dự báo GDP 2019 cho khối này xuống 1,1%, giảm từ mức 1,7% trong dự báo trước đó.
Ông Mario Draghi củng cố lập trường "ôn hoà" của ngân hàng trung ương trong cuộc họp báo của mình, ông cũng nói rằng rủi ro cho việc sụt giảm là có nhưng không phải là suy thoái.