Thị trường năng lượng kéo dài chuỗi giảm sang tuần thứ ba liên tiếp
Giá dầu giảm tuần thứ ba liên tiếp dù tăng nhẹ trong phiên 16/9, khi loại hàng hóa này tiếp tục chịu áp lực từ những lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế vì xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu.
Trong phiên cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 10/2022 tăng 1 xu lên 85,11 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc tiến 51 xu (tương đương 0,6%) lên 91,35 USD/thùng.
Một yếu tố tác động mạnh tới giá dầu tương lai là những ảnh hưởng từ diễn biến trên thị trường chứng khoán và các tài sản rủi ro khác.
Những biến động này diễn ra sau khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 của Mỹ cho thấy lạm phát tiếp tục tăng cao hơn dự kiến. Điều đó củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất cho vay thêm ít nhất 75 điểm cơ bản nữa khi các nhà hoạch định chính sách họp vào tuần tới.
Nhìn chung, thị trường năng lượng đã có một tuần khá nhiều trăng trầm với các phiên tăng giảm đan xen.
Trong phiên giao dịch 12/9, giá dầu thế giới đi lên trước mối lo ngại gia tăng về nguồn cung trong mùa Đông. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,16 USD (1,3%) lên 94 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 99 xu (1,1%) lên 87,78 USD/thùng. Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm tuần trước cho hay Nhà Trắng đang cân nhắc có tiếp tục gia hạn chương trình trên sau khi kết thúc vào tháng Mười hay không. Nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt hơn khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12.
Sang phiên 13/9, giá dầu thế giới giảm gần 1% và đảo ngược đà tăng trước đó trong bối cảnh giá tiêu dùng tháng 8/2022 của Mỹ bất ngờ tăng. Diễn biến đó khiến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất vào tuần tới trở nên lớn hơn. Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 83 xu Mỹ (0,9%) xuống 93,17 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 47 xu Mỹ (0,5%) xuống 87,31 USD/thùng.
Giá dầu thế giới lại tăng 1% trong phiên 14/9 sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sẽ tăng chuyển đổi từ khí đốt sang dầu do giá tăng trong mùa Đông này, mặc dù triển vọng nhu cầu vẫn ảm đạm. Giá dầu thô Brent tăng 93 xu Mỹ (1%) lên 94,10 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 1,17 USD (1,3%) lên 88,48 USD/thùng.
Phiên 15/9, giá dầu một lần nữa quay đầu giảm do những lo ngại về nhu cầu. Giá dầu WTI giao tháng 10/2022 của Mỹ giảm 3,38 USD (3,8%) xuống chốt phiên ở mức 85,1 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng mất 3,26 USD (hay 3,5%) xuống 90,84 USD/thùng.
Dù đi lên trong phiên cuối tuần 16/9, giá dầu Brent và dầu WTI vẫn giảm lần lượt 1,6% và 1,9% trong tuần qua.
Các nhà phân tích thị trường năng lượng của công ty dịch vụ đầu tư StoneX cho hay, các báo cáo kinh tế gần đây đã cho thấy hoạt động thương mại toàn cầu và sản lượng công nghiệp của nước Mỹ vẫn khá mạnh. Nhưng thị trường tài chính vốn thường đặt cược vào các xu hướng tương lai đang báo hiệu sự “hạ nhiệt” trong giai đoạn phía trước.
Theo các nhà phân tích của StoneX, sự yếu đi của nhóm cổ phiếu công nghệ và một số lĩnh vực khác cho thấy tốc độ tăng trưởng đã chậm hơn, đặc biệt là khi các hợp đồng tương lai đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ nâng lãi suất huy động vốn thêm 2% trước tháng 4/2023. Họ cho rằng khả năng suy giảm kinh tế là có thể xảy ra, nhưng khả năng giá năng lượng sụt giảm mạnh trong khoảng thời gian này thấp hơn nhiều do thiếu sự đầu tư trong vài năm qua.
Một đồng USD mạnh, được thúc đẩy bởi kỳ vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ cũng tạo áp lực đối với dầu thô và các hàng hóa khác được định giá theo đồng bạc xanh. Đồng USD mạnh hơn khiến những hàng hóa như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà giao dịch sử dụng các đồng tiền khác.
Ông Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty quản lý tài sản SIA Wealth Management nói rằng hiện có rất nhiều bất ổn cả về phía cung lẫn phía cầu.
Tuy nhiên, đối với Mỹ, yếu tố cơ bản quan trọng nhất dường như là chính phủ có kế hoạch tiếp tục mở bán dầu tư Kho dự trữ chiến lược trong bao lâu, khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra trong khoảng sáu tuần tới. Và một khi họ dừng lại, việc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược sẽ đảo chiều thành nhu cầu lấp đầy kho vào thời điểm nào và tốc độ ra sao.