Thị trường hàng hóa 30/4: Cá tra bị làm khó tại Mỹ, EVN thừa nhận về hóa đơn tiền điện tăng mạnh
Người Việt mạnh tay chi hơn 258 triệu USD uống sữa nhập trong 3 tháng
Thống kê từ Tổng cục Hải Quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm của Việt Nam trong tháng 3/2019 đạt 91,94 triệu USD, tăng 0,43% so với tháng trước, nâng kim ngạch nhập khẩu sữa quý I/2019 lên 258,19 triệu USD, tăng 11,74% so với cùng kỳ 2018.
Trước đó, từ tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Do vậy, thuế suất nhập khẩu sữa từ các nước tham gia CPTPP vào Việt Nam đều về 0%.
EVN thừa nhận hóa đơn tiền điện tăng ít nhất 35%
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thừa nhận như trên khi trả lời Tuổi Trẻ ngày 29-4 trước phản ảnh của nhiều người dân về hóa đơn tiền điện tháng 4-2019 tăng mạnh so với tháng trước.
Về khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn 42.000 tỉ đồng, tập đoàn này cho biết còn "quá nhỏ".
Cua Cà Mau, ghẹ xanh 'cháy' hàng dịp lễ
Chị Hằng, chuyên bán hải sản Vũng Tàu, Phú Quốc ở quận 8 (TP HCM) cho biết, chị dự tính lấy lượng hàng cua, ghẹ, tôm tăng gấp đối sản lượng để bán phục vụ trong dịp lễ nhưng chỉ tới trưa 29/4 đã bán hết sạch hàng.
Gọi điện cho các vựa hải sản chuyên cung cấp, chị Hằng chỉ nhận được trả lời là hết hàng. Riêng với các sản phẩm ghẹ tươi sống, giá tăng thêm 50.000 đồng một kg nhưng chỉ còn hàng kích cỡ nhỏ nên chị đành ngưng bán để nghỉ lễ.
Thuế phi lý, cá tra bị làm khó ở thị trường Mỹ
Việt Nam có 62 doanh nghiệp (DN) cá tra đủ chuẩn xuất khẩu vào Mỹ nhưng phần lớn không thể xuất khẩu vì thuế chống bán phá giá phi lý
Liên quan đến thuế chống bán phá giá cá tra của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1-8-2016 đến 31-7-2017 mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng với thuế suất cao phi lý mà Mỹ áp đặt, các DN Việt sẽ gặp bất lợi ở thị trường này.
Lào xem xét giảm giá điện
Chính phủ Lào đã nhất trí xem xét lại kết cấu giá đơn vị điện nhằm tiến tới hạ thấp chi phí điện năng, một động thái tăng cường đầu tư vào sức sản xuất.
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Lào, kết cấu được duyệt xét lại - có hiệu lực trước năm 2025 - sẽ đưa ra giá điện thấp hơn. "Việc cải thiện kết cấu giá điện có nghĩa là giá điện sẽ thấp hơn và hợp lý hơn trước đây" - thông cáo nêu rõ.