|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa 22/7: Giá dầu có thể đạt 150 USD/thùng, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cao su Việt Nam

19:31 | 22/07/2019
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa hôm nay nổi bật với thông tin nếu chiến tranh diễn ra tại Trung Đông, giá dầu sẽ nhanh chóng lên tới 150 USD/thùng. Trong diễn biến khác, tháng 5 là tháng thứ 5 liên tiếp Trung Quốc tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam.

Nếu thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, giá dầu có thể lên đến 150 USD/thùng

Xu hưỡng của giá dầu sẽ phụ thuộc vào bước đi tiếp theo của Iran đối với chương trình hạt nhân của nước này trong trường hợp thỏa thuận chấm dứt và liệu chiến lược của Tehran có kích hoạt phản ứng quân sự từ phía Mỹ hay không.

"Nếu thỏa thuận chấm dứt và Iran bắt đầu làm giàu uranium một lần nữa ở mức 20% và quay máy li tâm với tốc độ cao hơn, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến một cuộc đụng độ quân sự tiềm tàng giữa Mỹ và Iran, hoặc giữa Israel và Iran", ông Helima Croft nhận định.

"Nếu chiến tranh diễn ra, chúng tôi ước tính giá dầu sẽ nhanh chóng lên tới 150 USD/thùng sau khi chiến sự bùng nổ", các nhà phân tích của Capital Econimics (London) cho hay trong một ghi chú vào tuần trước.

Trung Quốc liên tục tăng cường nhập khẩu cao su Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu cao su của Trung Quốc tháng 5 đạt gần 525.000 tấn, trị giá hơn 850 triệu USD, giảm 21% về lượng và giảm 24% về trị giá so với cùng kì năm 2018.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt hơn 2,7 triệu tấn, trị giá gần 4,2 tỉ USD, giảm trên 3% về lượng và giảm gần 12% về trị giá so với cùng kì năm 2018.

Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là 3 thị trường cung cấp cao su chính cho Trung Quốc trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019.

Đáng chú ý, tháng 5 là tháng thứ 5 liên tiếp Trung Quốc tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam, đạt 66.200 tấn, trị giá gần 96 triệu USD, tăng gần 45% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với cùng kì năm 2018.

Trung Quốc áp thuế CBPG hơn 100% đối với thép không gỉ từ EU, Nhật Bản và Hàn Quốc 

Trong một tuyên bố đăng tải hôm 22/7, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thuế CBPG đối với phôi thanh thép không gỉ và tấm thép không gỉ cán nóng từ EU và ba quốc gia châu Á sẽ nằm trong khoảng 18,1 - 103,1%.

Quyết định được đưa ra theo sau cuộc điều tra CBPG vào tháng 7 năm ngoái, sau khi doanh nghiệp nhà nước Shanxi Taigang Stainless Steel đệ đơn kiện.

"Cơ quan điều tra đã đưa phán quyết cuối cùng rằng có hành vi bán phá giá đối với sản phẩm bị điều tra và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp của Trung Quốc", Bộ Thương mại cho biết trong tuyên bố.

Tác động của dịch ASF tại Trung Quốc lan sang cả châu Âu

Người chăn nuôi tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác đang chật vật với sự bùng phát của dịch ASF, theo đó làm tăng nhu cầu đối với thịt nhập khẩu.

Các nhà sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU), nhà xuất khẩu hàng đầu thế igới, là một trong số những người thắng lợi lớn nhất trong năm nya, với doanh số bán hàng sang Trung Quốc tăng 43% trong tháng 5.

Trong khi điều này mang lại lợi thế cho người chăn nuôi heo, nó cũng làm tăng chi phí cho người tiêu dùng châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp ở Canada chưa bao giờ biết tới các thỏa thuận FTA 

Kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Chính phủ Canada cho thấy một thực tế "phũ phàng" là trong khi Ottawa nỗ lực để đạt được các thỏa thuận thương mại quốc tế thì tại "sân nhà," nhiều doanh nghiệp trong nước chưa bao giờ tận dụng, thậm chí là chưa bao giờ nghe tới các thỏa thuận này.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tại cuộc họp thượng đỉnh Canada-Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc tuần trước, Thủ tướng Justin Trudeau đã đề nghị các đối tác châu Âu hoàn tất Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện EU-Canada (CETA).

Không chỉ phải giục giã EU, Ottawa còn phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục các doanh nghiệp trong nước tận dụng và phát huy tối đa hiệp định này.

Tố Tố