|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường EU hấp dẫn doanh nghiệp cá tra Việt Nam trở lại sau 2 năm liên tiếp im ắng

17:51 | 16/03/2022
Chia sẻ
Đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đang tăng trưởng tích cực trở lại, đó là hi vọng cho nhiều doanh nghiệp muốn quay trở lại thị trường này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), sau ít nhất 2 năm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang EU giảm sút, số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường này cũng gia tăng. 

Trước khi dịch COVID-19 đến tâm điểm Châu Âu, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đã bộc lộ nhiều điểm thiếu hấp dẫn khi nhiều tháng liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu rơi xuống mức âm. Nhưng bắt đầu từ năm 2022, có những hy vọng trở lại ở thị trường này.

Cho đến nửa đầu tháng 2, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 20,2 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng lạc quan nhất sau nhiều tháng chững hoặc sụt giảm sâu.

Hiện nay, Hà Lan, Bỉ, Đức và Tây Ban Nha là 4 thị trường xuất khẩu cá tra đơn lẻ lớn nhất trong khối của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Trong đó, Hà Lan là thị trường lớn nhất chiếm 36,6% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này.

VASEP cho biết đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đang tăng trưởng tích cực trở lại, đó là hi vọng cho nhiều doanh nghiệp muốn quay trở lại thị trường này. 

"Cho dù, trong nhiều tháng qua, giá trị xuất khẩu cá tra sang nhiều nước Châu Âu bị giảm sút hoặc gián đoạn nhưng đây vẫn được coi là thị trường lớn và quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam", VASEP nhận định.

Cách đây hơn 10 năm, EU là thị trường xuất khẩu cá tra truyền thống và lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi lên tới thời điểm "hoàng kim" vào những năm 2016-2018 thì xuất khẩu cá tra sang EU bắt đầu chững và giảm dần.

Sau khi ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều nhà nhập khẩu cho biết họ phải đối mặt với khó khăn về tài chính do nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra tại nhiều thị trường của khu vực chưa tăng, trong khi chi phí logistic, chi phí vận chuyển... tăng đáng kể. 

Nhiều khách hàng EU đã chủ động đề nghị được giảm mua, hủy hoặc hoãn các đơn hàng đã ký hoặc sắp sửa ký. Thêm nữa, các nhà nhập khẩu theo phương thức FOB bị khó khăn do chi phí vận chuyển đường biển cao, giá bán cá tra ở EU vẫn ổn định, tuy nhiên nhiều nhà nhập khẩu dè dặt mua hàng. 

Do khách hàng EU yêu cầu cao hơn nhưng giá mua lại không mấy hấp dẫn nên năm 2021, nhiều doanh nghiệp vốn xuất khẩu mạnh sang EU đã chuyển sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ai Cập, Colombia, Thái Lan. Đó cũng là lý do khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra sang EU giảm liên tiếp.

Nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng của một số nước EU năm 2021 (Nghìn USD)

Thị trường

Quý 1

Quý 2

Quý 3

Quý 4

Năm 2021

Năm 2020

↑↓%

Tây Ban Nha

197.009

196.701

182.422

212.652

788.784

775.241

1,75

Pháp

153.487

159.310

140.839

172.382

626.018

632.586

-1,04

Đức

192.427

180.851

169.922

172.119

715.319

753.478

-5,06

Bồ Đào Nha

71.786

107.013

84.267

79.804

342.870

342.642

0,07

Lithuania

30.149

24.971

20.706

25.437

101.263

100.982

0,28

CH Czech

11.217

7.132

7.978

12.003

38.330

29.220

31,18

Latvia

9.324

4.728

7.370

9.043

30.465

30.851

-1,25

Hy Lạp

7.022

4.316

5.709

8.194

25.241

22.175

13,83

Estonia

2.125

3.256

3.262

2.422

11.065

10.768

2,76

Iceland

768

2.819

2.357

297

6.241

7.154

-12,76

Nguồn: VASEP tổng hợp từ ITC

H.Mĩ