Thị trường đường thế giới đối mặt với thâm hụt đáng kể trong năm 2019/2020
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dẫn báo cáo tháng 1/2020 của Tổ chức Đường Thế giới (ISO) cho biết giá đường trên thị trường thế giới của tháng đầu năm 2020 phản ánh quan điểm đồng thuận rằng thị trường đang phải đối mặt với thâm hụt đáng kể trong năm 2019/2020, cũng như động thái gia tăng mua khống của các quĩ đầu cơ.
Giá đường thô (được đo bằng giá hàng ngày của ISA) được cải thiện từ 13,24 US cent/pound, được niêm yết vào đầu tháng 1, lên 14,57 US cent/pound vào ngày 23/1, đến ngày 12/2 đã lên đến 15,24 US cent/pound mức giá kì lục cao nhất trong 24 tháng, tuy nhiên phiên giao dịch 13/2 đã xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh giảm của thị trường..
Đường trắng trên sàn London đến 20/1/2020 vượt ngưỡng 400 USD/tấn, đến 31/1/2020 đạt 402,70 USD/tấn, đến 12/02 đã lên đến mức 440,3 USD/tấn và cũng phiên giao dịch 13/2 đã xuất hiện dấu hiệu điều chỉnh.
Tại Ấn Độ, có một số dấu hiệu cho thấy mục tiêu xuất khẩn 6 triệu tấn đường ra thị trường thế giới của chính phủ Ấn Độ khó đạt được, do một số vùng sản xuất mía báo cáo sản lượng giảm mặc dù có chính sách trợ giá xuất khẩu mức INR10,448/tonne (USD145.58/tonne) cho vụ 2019/2020.
Tại Thái Lan, theo đánh giá của Thai Sugar Millers Corporation, sản lượng vụ tới sẽ giảm do tác động của thời tiết khô hạn và khiến cho xuất khẩu đường vụ 2020 chỉ còn khoảng 6-7 triệu tấn so với mức 11 triệu tấn của vụ trước đó.
Theo đó, FO Licht điều chỉnh lại đánh giá thâm hụt thị trường đường, ước lượng thâm hụt tăng lên 10,9 triệu tấn so với mức thâm hụt 6,5 triệu tấn đánh giá vào tháng 10/2019.
Công ty tư vấn DATAGRO của Bazil cũng điều chỉnh lại đánh giá thâm hụt thị trường đường, ước lượng thâm hụt tăng lên 11,4 triệu tấn so với mức thâm hụt 8,5 triệu tấn đánh giá vào tháng 11/2019.
Hội nghị đường quốc tế tại Dubai từ ngày 10/2 đến 13/2 đã nhận định sự thâm hụt nguồn cung Thái Lan là nghiêm trọng, tuy nhiên những nguyên nhân của sự suy giảm chưa được làm rõ. Và các quĩ đầu cơ tiếp tục mua khống.
Trong khi đó, giá đường thế giới sẽ lệ thuộc lớn vào giá cồn nhiên liệu một khi Brazil vào vụ. Nếu giá đường tiếp tục tăng một phần mía của vùng trung nam Brazil sẽ chuyển sang sản xuất đường thay vì cồn nhiên liệu.
Bên cạnh đó, giá năng lượng hiển nhiên sẽ giảm dưới tác động của dịch virus Corona. Lượng đường thiếu hụt khoảng 4-6 triệu tấn, khoảng 50% khả năng sản xuất thêm, nên giá đường sẽ không tăng quá mức so với cồn nhiên liệu, dự kiến trong khoảng 13,5-14 cent.
Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay một lượng lớn yêu cầu hỏi mua đường từ Việt Nam và Pakistan trong tháng 1/2020 cùng với những thông tin về gia tăng thiếu hụt đã góp phần vào sự tăng giá trong đầu tháng 2/2020.
Các yếu tố trên cũng khiến giá cộng thêm của đường Thái Lan tăng đến mức kỉ lục. Tuy nhiên các yếu tố giảm giá đã cho thấy tác động điều chỉnh thị trường.
Tại Việt Nam, đường sản xuất từ mía trong nước vẫn tiêu thụ chậm do sự hiện diện của các loại đường có nguồn gốc nước ngoài.