Thị trường du lịch nội địa dịp 2/9 dự báo ảm đạm, công ty lữ hành lo kích cầu
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay người lao động cả nước sẽ được nghỉ 4 ngày. Đây là kỳ nghỉ lễ dài ngày cuối cùng trong năm, được kỳ vọng là dịp để các công ty lữ hành tăng doanh số.
Kỳ vọng này xuất phát từ thực tế dịp nghỉ lễ 2/9 năm ngoái khi cả nước phục vụ khoảng 3 triệu khách du lịch, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch. Có những địa phương chỉ tiêu phục vụ khách du lịch tăng 3-4 lần, công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60-65%.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, thực tế theo ghi nhận thị trường du lịch năm nay ảm đạm hơn nhiều. Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ một công ty du lịch tại Hà Nội cho biết: “Lượng đặt phòng trước năm nay quá thấp. Chúng tôi phải bớt lại vài xe cabin du lịch vì không thể bán hết”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiến, CEO CTCP Truyền thông và Du lịch Bluesky Việt Nam dự báo: “Thị trường du lịch trong nước trước dịp lễ 2/9 năm nay ảm đạm hơn nhiều so với các năm. Lượng khách ước giảm 15% - 25% so với năm ngoái sau đại dịch COVID-19 và Việt Nam mở cửa du lịch trở lại”.
Những con số về tỷ lệ lấp đầy trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay từ Tổng cục Hàng không Việt Nam cũng nói lên phần nào bức tranh.
Theo số liệu của Tổng cục Hàng không, tổng số chuyến bay các hãng hàng không dự kiến khai thác trong giai đoạn cao điểm 2/9 (từ ngày 31/8 đến ngày 5/9) là hơn 5.300 chuyến với với tổng ghế cung ứng là 1,06 triệu ghế, tăng khoảng 20% so với giai đoạn bình thường và giảm nhẹ 3% so cùng kỳ 2022.
Tính tới ngày 18/8, tỷ lệ lấp đầy trong giai đoạn dịp nghỉ lễ 2/9 trên các đường bay trục cũng như các đường bay du lịch vẫn còn ở mức thấp, lượng ghế cung ứng còn lại vẫn còn dồi dào.
Các đường bay trục Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, tỷ lệ lấp đầy chuyến bay mới đạt từ 30% - 40%. Đối với các đường bay du lịch, ngoại trừ đường bay từ Hà Nội đến Phú Quốc, Bình Định và Côn Đảo hay đường bay từ TP HCM đi Bình Định là có tỷ lệ đặt chỗ trên 40% còn các đường bay khác đều đang mức thấp, dao động từ 25% đến dưới 40%.
Theo những người trong ngành, có một số nguyên nhân tác động khiến tình hình du lịch dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay rơi vào ảm đạm. Trong đó có thể kể đến tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Triển vọng kinh tế không tốt cũng khiến người dân hạn chế chi tiền cho những dịch vụ không thiết yếu như du lịch, nghỉ dưỡng. Khác với tâm lý “du lịch trả thù” từng diễn ra khi nền kinh tế mở cửa sau đại dịch”, ông Minh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, năm nay, vé máy bay nội địa tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí du lịch, chưa kể giá ngày lễ sẽ tăng khoảng 25% - 50% so với ngày thường.
Theo Cục hàng không Việt Nam, đối với chặng bay Hà Nội - Cam Ranh ngày 1/9, Vietnam Airlines đang có giá vé là 2 triệu đồng so với 1,6 triệu đồng cũng chặng bay này ngày 30/8. Có thể thấy mức giá này cao hơn ngày thường, nhưng tương đương với những ngày cao điểm dịp hè vừa qua.
Lý do thứ ba theo các công ty lữ hành là dư âm từ dịp lễ 30/4 và 1/5 trước đó có thời gian nghỉ kéo dài và kỳ nghỉ hè năm nay cũng được kéo dài vì vậy các gia đình đã có kế hoạch đi du lịch từ trước đó. Trong khi giai đoạn lễ 2/9 học sinh đang chuẩn bị bước vào năm học mới, vì vậy đã ảnh hưởng tới nhu cầu đi chơi, nghỉ dưỡng.
Mặt khác, là công ty chuyên phục vụ các đoàn khách du lịch theo doanh nghiệp với quy mô lớn, ông Nguyễn Văn Tiến lý giải:
“Sau hai năm covid từ 2020 - 2022 các doanh nghiệp hạn chế các chế độ đãi ngộ đãi ngộ du lịch cho cán bộ công nhân viên vì vậy đến năm 2023 việc tổ chức cho các doanh nghiệp diễn ra sôi động vào dịp hè vừa rồi. Kỳ nghỉ lễ 2/9 sát vào với dịp hè vì thế du lịch lễ cũng bị ảnh hưởng nhiều vì khách hàng mang tâm lý mới đi du lịch về thôi không đi nữa”.
Cuối cùng, một yếu tố ảnh hưởng tới du lịch trong nước dịp 2/9 này là các chương trình kích cầu du lịch nước ngoài đang khá sôi động. Chẳng hạn một tour du lịch nước ngoài Thái Lan 5 ngày 4 đêm đang có giá ngang bằng một tour du lịch nội địa.
Nhiều công ty lữ hành cho biết đã bán hết các tour đi Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, Trung Quốc được nhiều người lựa chọn bởi thị trường du lịch nước này vừa mở cửa trở lại, nhiều chương trình kích cầu ưu đãi, giá cả hợp lý (trung bình dưới 15 triệu đồng).
Do đó, để kích cầu du lịch nội địa, kéo lại khách hàng, nhiều đơn vị lữ hành đã thực hiện các biện pháp như:
Thoả thuận với các khách sạn, điểm lưu trú bỏ phụ thu giá phòng vào giai đoạn lễ; giảm giá các dịch vụ kèm theo khi khách hàng đặt lưu trú như spa, ăn uống, tặng gói đón tiễn sân bay hoặc bến xe về khách sạn; giảm giá dịch vụ cho khách hàng đặt sớm hoặc đặt với số lượng lớn; hỗ trợ khách hàng nâng phòng hoặc check in sớm - check out muộn,..
Ngoài ra, các công ty du lịch cũng cho đưa vào khai thác các gói sản phẩm giá thành phù hợp, dễ tiếp cận hơn với nhiều khách hàng. Đẩy mạnh chùm tour ngắn ngày ngắm lúa chín, ngắm hoa, săn mây như: Vòng cung Đông Bắc (Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn), mùa hoa tam giác mạch Hà Giang, hoa cải Mộc Châu, lúa chín Mù Cang Chải,…
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/