|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường địa ốc phía Nam ra sao sau loạt tín hiệu 'cởi trói'?

15:10 | 08/06/2023
Chia sẻ
Thanh khoản địa ốc phía Nam chưa có sự cải thiện trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ cho thị trường trong những tháng đầu năm vẫn chưa có tác động lan tỏa.

(Ảnh minh họa: H.Q).

Sức cầu trên thị trường địa ốc phía Nam vẫn chưa phục hồi. Báo cáo mới đây của DKRA cho biết, trong tháng 5/2023, lượng tiêu thụ phân khúc đất nền dự án tại TP HCM và vùng phụ cận ở mức rất thấp, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở các sản phẩm có giá trung bình dưới 15 triệu đồng/m2.

Các dự án mở bán trong tháng 5 có mức giá tăng 4 - 8% so với lần mở bán trước đó (thời gian cách nhau 5 - 7 tháng).

Trên thị trường thứ cấp, đất nền có mức giảm trung bình 2-10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn chưa ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Ngoài ra, nguồn cung mới căn hộ tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh trong tháng 5 cũng ghi nhận sụt giảm mạnh 95% so với cùng kỳ năm ngoái, các dự án mở bán tập trung tại TP HCM và Bình Dương.

Sức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh 98% so với cùng kỳ với tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 35% nguồn cung mở bán mới trong tháng.

Các chính sách chiết khấu “khủng” bối với phương thức thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán,… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng để kích cầu người mua giữa bối cảnh thị trường khó khăn. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào, lãi vay, pháp lý,... 

Số lượng các giao dịch chào bán “cắt lỗ” thứ cấp giảm mạnh, phần lớn nhờ vào các tín hiệu tích cực đến từ việc giảm lãi suất cũng như chỉ đạo gỡ vướng pháp lý dự án trong tháng.

Đối với phân khúc biệt thự/nhà phố, thống kê của đơn vị này chỉ ra, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong tháng vừa qua tại khu vực này sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 với tỷ lệ giảm lần lượt là 93% và 99%. Sức cầu thị trường ở mức rất thấp, chỉ tương ứng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Sản phẩm tồn kho được mở bán lại trong tháng 5 không biến động so với lần mở bán trước đó, trong khi đó, giá thứ cấp tiếp tục đà giảm 5-10% so với thời điểm đầu năm, tập trung chủ yếu ở nhóm khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính.

“Trước những khó khăn của nền kinh tế, dự kiến thị trường bất động sản khó đạt được những tín hiệu tích cực trong ngắn hạn”, chuyên gia DKRA nhận định.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng, các bộ, ngành đã hướng dẫn tháo gỡ 18/30 vướng mắc của thị trường bất động sản, TP HCM đang tập trung giải quyết 16/36 nội dung thuộc thẩm quyền. Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP đứng đầu đã họp hằng tuần để giải quyết các vấn đề, dự kiến cuối tháng 6 sẽ phân nhóm, phân định trách nhiệm rất rõ với các dự án bất động sản cụ thể.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng, thủ tục, phòng cháy chữa cháy. Số doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng quy mô vốn giảm. Các thị trường bất động sản, trái phiếu phục hồi nhưng chưa mạnh,...

Thời gian tới, ông Mãi cho biết, TP HCM sẽ tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và cụ thể hóa Nghị quyết đang được Quốc hội xem xét thông qua về TP HCM, tập trung tháo gõ khó khăn cho bất động sản, phấn đấu giải ngân 35% vốn đầu tư công trong quý II, dự kiến ngày 18/6 sẽ khởi công đường Vành đai 3,...

Trong một diễn biến liên quan, UBND TP HCM mới đây đã có quyết định về việc kiện toàn Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (gọi tắt Tổ Công tác).

Theo đó, Tổ Công tác được kiện toàn gồm 14 thành viên, do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai làm Tổ phó.

Tổ Công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố do các sở, ban ngành của thành phố đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.

Đồng thời, rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có hướng xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

Cùng với đó, rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Công Tâm