|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường cuối năm: Bảo đảm nguồn hàng và bình ổn giá

11:58 | 17/10/2016
Chia sẻ
Thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn vay ngân hàng lãi suất hợp lý; hỗ trợ tổ chức điểm bán hàng, lưu thông hàng hóa thuận lợi.
thi truong cuoi nam bao dam nguon hang va binh on gia
Một điểm bán hàng bình ổn giá của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Nguồn: Khánh Nguyên)

Bảo đảm bình đẳng thị trường

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, chương trình bình ổn giá những năm qua đã góp phần giữ ổn định thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực thì chương trình bình ổn giá cũng còn tồn tại một số bất cập. Số lượng điểm bán hàng bình ổn chưa nhiều và xa khu dân cư. Dù DN bán hàng bình ổn nhận được nhiều ưu đãi về vốn vay, về vận chuyển, tổ chức điểm bán hàng... nhưng theo phản ánh của người tiêu dùng, một số điểm bán hàng bình ổn vẫn niêm yết giá bán nhiều mặt hàng cao hơn giá thị trường.

Chị Nguyễn Thu Thủy (phố Thanh Nhàn, Hà Nội) so sánh, có thời điểm giá bán trứng gà trong siêu thị bình ổn giá là 3.000-3.200 đồng/quả trong khi ngoài chợ chỉ 2.800 đồng/quả.

Giải thích về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, có những thời điểm, do phải chờ cơ quan chức năng phê duyệt điều chỉnh giá quá lâu nên tình huống giá thị trường giảm mà giá bình ổn chưa giảm tương xứng vẫn xảy ra...

Khắc phục một số bất cập của chương trình bình ổn giá những năm qua, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng trên thị trường, năm nay thành phố đã quyết định không hỗ trợ DN từ nguồn Quỹ Dự trữ tài chính địa phương.

Thay vào đó, thành phố sẽ tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các DN cung ứng hàng trên địa bàn TP Hà Nội với DN sản xuất, chế biến ở các tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng thời hỗ trợ DN kết nối với ngân hàng, tạo điều kiện cho DN lưu thông, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi nhất, khuyến khích đưa hàng về bán tại vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã ngay từ bây giờ phải xem xét, bố trí mặt bằng sau đó công bố công khai, giúp người dân trên địa bàn có điều kiện đưa mặt hàng nông sản, thực phẩm, hoa, cây cảnh đến tiêu thụ.

Đánh giá về cách làm mới này, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, quyết định không hỗ trợ vốn từ quỹ của thành phố sẽ góp phần xóa bỏ cơ chế bao cấp "xin - cho", tạo sự bình đẳng giữa đơn vị tham gia bình ổn và đơn vị không tham gia. Đồng thời, còn tránh được khả năng DN được hỗ trợ vốn chương trình bình ổn giá nhưng sử dụng vào mục đích khác mà cơ quan chức năng không kiểm soát được.

Đủ hàng cho thị trường dịp cuối năm

Theo kế hoạch “Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2016”, thành phố sẽ tập trung bình ổn đối với những mặt hàng có tính thiết yếu, nhu cầu sử dụng lớn trong sinh hoạt hằng ngày của người dân; những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán.

Theo tính toán của Sở Công Thương, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu của người dân Thủ đô là: Gạo khoảng 82.600 tấn/tháng, thịt lợn 12.800 tấn/tháng, thịt gia cầm 5.100 tấn/tháng, thủy hải sản 5.000 tấn/tháng, dầu ăn 6 triệu lít/tháng, rau, củ, quả 83.300 tấn/tháng, trứng gia cầm 93,7 triệu quả/tháng, sữa 17 triệu lít/tháng…

Từ đó, số lượng hàng hóa dự kiến huy động từ DN để thực hiện chương trình bình ổn thị trường bằng khoảng 35% nhu cầu tiêu thụ trong một tháng.

Để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2017, Co.opmart đã chuẩn bị một lượng lớn hàng bình ổn giá, gồm: Gạo nếp, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, thịt gia súc...

“Ngoài ra, hệ thống siêu thị Co.opmart còn bổ sung nhiều mặt hàng thường có sức mua cao trong dịp Tết để dự trữ và có thể giảm giá 10-20% những mặt hàng này” - bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Saigon Co.opmart Hà Đông cho biết.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng thông tin, ngoài hàng hóa do các đơn vị thành viên trực tiếp sản xuất như: Thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm đóng hộp, giò, chả, bánh chưng, rượu... Hapro sẽ khai thác hàng hóa từ các nhà cung cấp có uy tín, bảo đảm nguồn hàng phong phú, nguồn gốc rõ ràng, niêm yết giá đầy đủ. Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2017 sẽ tăng 5% so với năm ngoái.

Để hàng hóa bình ổn giá đến được với người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, ngoài việc tổ chức thông tin rộng rãi, Sở Công Thương cùng các ngành, địa phương đang rà soát, mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn bằng nhiều hình thức như: Tuần hàng Việt, phiên chợ Việt…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đã có khoảng 14.428 tỷ đồng được các ngân hàng thương mại cam kết cho DN cung ứng hàng bình ổn giá vay theo chương trình kết nối ngân hàng - DN của thành phố; trong đó, số vốn đã giải ngân là 1.495 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, chương trình kết nối ngân hàng - DN dự kiến dành nguồn vốn 150.000 tỷ đồng để hỗ trợ các DN sản xuất - kinh doanh, bình ổn thị trường trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo Thanh Hiền