Thị trường chứng quyền tuần (24 - 28/2): Nhóm Vingroup lao dốc, nhiều mã mất hơn 50% giá trị
Thị trường chứng quyền lao dốc trong tuần 24 - 28/2
Dịch virus covid-19 cùng hoạt động cơ cấu danh mục định kì của iShare MSCI Frontier 100 ETF khiến thị trường chứng khoán có nhiều biến động trong tuần giao dịch cuối tháng 2. VN-Index mất 50,9 điểm, tương ứng 5,45% xuống còn 882,19 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019.
Cùng ghi nhận xu hướng tiêu cực, thị trường chứng quyền đồng loạt lao dốc trong tuần vừa qua với 62 mã giảm giá, trong khi chỉ có hai mã tăng giá.
Nhóm chứng quyền "họ Vingroup" tác động nhiều nhất lên đà giảm của thị trường trong tuần qua, trong đó có nhiều mã mất hơn một nửa giá trị.
Điển hình, hai chứng quyền CVHM1903 và CVRE1904 của Chứng khoán MBS giảm tới trên 70% xuống còn lần lượt 290 đồng/cw và 100 đồng/cw. Hai chứng quyền CVRE1902 của Chứng khoán HSC và CVRE1903 của Chứng khoán KIS giảm trên 50% xuống còn 210 đồng/cw và 370 đồng/cw.
Bộ đôi chứng quyền của SSI cũng giảm gần 50%, trong đó CVHM1902 giảm 3.830 đồng/cw xuống 4.090 đồng/cw và CVIC1902 mất 3.190 đồng/cw xuống còn 3.710 đồng/cw.
Các chứng quyền mới được phát hành năm 2020 của nhóm này ghi nhận mức giảm nhẹ hơn, như CVIC2001 của KIS giảm dưới 10%, hai mã VHM2001 và CVRE2002 cũng do công ty chứng khoán này phát hành giảm trên 18%.
Cùng với "họ Vingroup", chứng quyền VNM cũng giảm sâu dù cổ phiếu này giữ giá trong biên độ 104.000 - 108.000 đồng/cw. Chứng quyền CVNM1906 của VNDirect bốc hơi gần 90% giá trị xuống còn 80 đồng/cw, mã CVNM1902 của SSI cũng giảm trên 47% xuống còn 90 đống/cw.
Ở chiều ngược lại, bộ đôi chứng quyền STB của KIS ngược dòng thị trường tăng giá với sự hồi phục của cổ phiếu STB trên thị trường cơ sở, dù mức tăng không quá lớn. Chứng quyền CSTB2001 tăng 7,83% lên 1.790 đồng/cw và CSTB2002 tăng 4,7% lên 2.450 đồng/cw.
Giá trị giao dịch thị trường tăng đột biến, khối ngoại tiếp tục bán ròng
Với những biến động mạnh trong tuần qua, thanh khoản thị trường chứng quyền cũng cao hơn so với tuần giao dịch trước đó. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 33,6 triệu đơn vị, cao hơn tuần trước 3,8%; trong khi đó các mã vốn hóa lớn giao dịch sôi động khiến giá trị giao dịch tăng gấp hơn 2 lần lên 37,8 tỉ đồng.
Mặc khác, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn, cùng với xu hướng bán ròng vẫn chưa chấm dứt. Trong tuần qua, khối ngoại mua vào 4,4 triệu chứng quyền và bán ra tới 7,9 triệu đơn vị, tương đương 23,5% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Về giá trị giao dịch, khối này mua vào 2,44 tỉ đồng trong khi bán ra 3,19 tỉ đồng, giá trị bán ròng ở mức 0,75 tỉ đồng.
Đáo hạn chứng quyền CVJC1901 do Chứng khoán KIS phát hành
Trong tuần giao dịch vừa qua, 5 triệu chứng quyền CVJC1901 của Chứng khoán KIS đã dừng giao dịch do sắp đến ngày đáo hạn. Chứng quyền này được phát hành dựa trên cổ phiếu cơ sở VJC của Vietjet Air với kì hạn 5 tháng và tỉ lệ chuyển đổi 10:1.
Ghi nhận tại phiên giao dịch cuối cùng 24/2, chứng quyền CVJC1901 đóng cửa tại 20 đồng/cw, trước đó KIS phát hành chứng quyền này với giá 1.800 đồng/cw. Như vậy, CVJC1901 đã mất gần như toàn bộ giá trị.
Đối với nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền đến ngày để thực hiện vị thế cũng ở trong trạng thái lỗ. Cụ thể, với giá phát hành 1.800 đồng/cq và giá thực hiện là 145.678 đồng, giá hòa vốn của mỗi chứng quyền CVJC1901 là 163.678 đồng.
Dữ liệu giao dịch trên HOSE cho thấy, giá đóng cửa bình quân 5 phiên giao dịch cuối của cổ phiếu VJC là 128.400 đồng/cp. Theo đó, mức lỗ vị thế với mã này là 21,6%.
Việc lao dốc của chứng quyền CVJC1901 cũng như cổ phiếu VJC diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không đang chịu những ảnh hưởng nặng nề do dịch covid-19 gây ra.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tháng 8/2020 mới hết dịch, tổng thị trường hàng không năm 2020 sẽ giảm 17,2%, chỉ còn 65,5 triệu lượt khách. Lượng khách qua cảng giảm 15,5%, còn 98,5 triệu lượt.