Thị trường chứng quyền 21 - 25/10: Nhộn nhịp chứng quyền MWG, họ Vingroup kém sắc
Thêm 15 chứng quyền được đưa vào giao dịch
Ghi nhận tuần 21 - 25/10, thị trường chứng quyền ghi nhận thêm 15 mã chứng quyền mới do CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC - Mã: HCM) phát hành được đưa vào giao dịch.
Trong đó, SSI phát hành thêm 10 mã chứng quyền dựa trên 8 cổ phiếu cơ sở gồm REE (Cơ điện lạnh), VNM (Vinamilk), VIC (Tập đoàn Vingroup), VJC (Vietjet Air), VHM (Vinhomes), FPT (Tập đoàn FPT), MBB (MBBank) và HPG (Tập đoàn Hòa Phát).
Trong đợt phát hành này, SSI chào bán tổng số lượng 13 triệu chứng quyền, trong đó có 2 triệu chứng quyền MBB kỳ hạn 3,5 tháng và 3 triệu chứng quyền MBB kỳ hạn 6,5 tháng, 8 mã còn lại phát hành mỗi mã 1 triệu chứng quyền. Tất cả các mã đều có tỉ lệ chuyển đổi 1:1.
Trong số 10 mã chứng quyền mới được phát hành lần này, ngoại trừ 3 mã FPT, MBB và HPG đã từng được SSI phát hành chứng quyền, có 5 mã mới là REE, VNM, VIC, VJC, VHM.
Trước đó, SSI đã phát hành 6 mã chứng quyền, trong đó đã có 3 mã kì hạn 3 tháng đã đáo hạn là CMBB1901, CHPG1904, CFPT1902 và 3 mã kỳ hạn 6 tháng vẫn đang giao dịch trên thị trường là CMWG1904, CHPG1905 và CFPT1903.
Bên cạnh đó, HSC cũng chào bán 5 mã chứng quyền dựa trên 5 mã cổ phiếu cơ sở: FPT, MBB, MWG, VNM, VRE. Các chứng quyền này đều có thời hạn 6 tháng, nhằm tăng thời gian CW được giao dịch trên thị trường, từ đó giúp nhà đầu tư có điều kiện để đánh giá và lựa chọn thời điểm mua chứng quyền hiệu quả hơn.
Bà Trần Thị Mỹ Linh, Trưởng bộ phận phát triển sản phẩm chứng quyền tại HSC cho biết, ban đầu công ty cũng xem xét phát hành chứng quyền với kì hạn 3 tháng, tuy nhiên thời gian giao dịch thực tế của chứng quyền từ lúc kết thúc IPO đến lúc niêm yết chỉ là 2-3 tuần, trong khi khối lượng giao dịch thường sụt giảm trong những tuần cuối.
Do thời gian giao dịch ngắn, chứng quyền xuất hiện nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia giao dịch khi phải chọn đúng điểm mua chứng quyền khi giá chứng khoán cơ sở vào nhịp tăng mới kỳ vọng có lời từ chứng quyền.
Bà Linh chia sẻ thêm, đối với chứng quyền có thời hạn quá ngắn thì có thể giá chứng khoán cơ sở chưa kịp tăng đến giá mục tiêu thì chứng quyền đã đáo hạn và khoản đầu tư ban đầu chưa kịp sinh lời theo kì vọng. Do đó, các chứng quyền có kì hạn dài hơn sẽ góp phần giảm thiểu rủi cho nhà đầu tư.
Chứng quyền tuần 21 - 25/10: Chứng quyền MWG khởi sắc, "họ Vingroup" tiếp tục dò đáy
Diễn biến trong tuần 21 - 25/10, thị trường chứng quyền giao dịch phân hóa với ưu thế nghiêng về phía giảm giá. Cụ thể, toàn thị trường ghi nhận 10 mã tăng giá, 11 mã giảm giá và một mã đứng giá tham chiếu; tính trung bình mức giảm giá là 7,26%.
Biến động các mã chứng quyền trong tuần 21 - 25/10. (Nguồn: ST tổng hợp)
Đáng chú ý, chứng quyền MWG giao dịch khởi sắc cũng xu hướng tích cực của cổ phiếu MWG khi tất cả các mã nhóm này đều tăng giá. Trong đó, chứng quyền CMWG1906 dẫn đầu đà tăng với tỉ lệ 16,67% lên 2.800 đồng/cw; theo sau là chứng quyền CMWG tăng 10,81% lên 6.870 đồng/cw.
Chứng quyền CMWG1904 tiếp tục là mã có thị giá cao nhất với 39.500 đồng/cw, trong tuần vừa qua mã này tăng trưởng 7,34%. Hai chứng quyền MWG còn lại là CMWG1902 và CMWG1905 cũng ghi nhận mức tăng giá gần 7% trong tuần qua.
Cùng xu hướng tích cực, chứng quyền CVJC1901 ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số, tăng từ 2.600 đồng/cw lên 2.990 đồng/cw. Hai mã chứng quyền FPT là CFPT1904 và CFPT1903 cũng tăng giá lần lượt 6,98% và 1,24%.
Ở chiều ngược lại, chứng quyền CMSN1901 đứng đầu danh sách đội sổ khi giảm tới 49,18% xuống còn 310 đồng/cp. Ba chứng quyền "họ Vingroup" cũng tiếp tục chứng kiến tuần giao dịch kém tích cực khi mã CVIC1901 giảm 41,82%; CVRE1901 giảm 40,54% trong khi mã CVHM1901 cũng giảm 8,29%.
Khối lượng giao dịch tăng hơn 8% trong khi giá trị tăng gần 32%
Ghi nhận trong tuần 21 - 25/10, thanh khoản thị trường chứng quyền có sự cải thiện khi khối lượng giao dịch tăng 8,3% lên 13,6 triệu đơn vị, giá trị giao dịch cũng tăng 31,7% lên 31,32 tỉ đồng.
Thanh khoản thị trường chứng quyền tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)
Dễ dàng nhận thấy, những mã chứng quyền biến động giá mạnh nhất cũng đồng thời là những mã có thanh khoản tăng mạnh trong tuần qua. Trong đó, các chứng quyền có khối lượng giao dịch tăng bằng lần gồm có CMWG1905, CNVL1901, CVRE1901, CMSN1901, CVNM1902, CMWG1906, CMWG1904.
Trong khi đó, với giao dịch tích cực tại các mã vốn hóa lớn, tổng vốn hóa thị trường chứng quyền cũng tăng thêm 5,72 tỉ đồng, lên mức 208,05 tỉ đồng. Chứng quyền CMWG1904 hiện có qui mô vốn hóa lớn nhất với 39,5 tỉ đồng, mặc khác chứng quyền CHPG1902 có vốn hóa nhỏ nhất với vỏn vẹn 0,3 tỉ đồng.
Khối ngoại trở lại bán ròng gần 2 tỉ đồng
Trong tuần giao dịch 21 - 25/10, nhà đầu tư nước ngoài lại tiếp tục xu hướng bán ròng sau khi bất ngờ mua ròng ở tuần trước đó. Cụ thể, khối ngoại mua ròng 1,9 triệu đơn vị, trong đó mua vào 3,2 triệu đơn vị và bán ra 5,1 triệu đơn vị.
Về giá trị giao dịch, khối ngoại mua vào 2,25 tỉ đồng và bán ra 4,01 tỉ đồng, kết quả khối này rút ròng 1,76 tỉ đồng trên thị trường chứng quyền trong tuần qua.
Khối ngoại quay trở lại bán ròng trong tuần qua. (Nguồn: ST tổng hợp)