Thị trường chứng khoán cũng hưởng lợi từ CPTPP
Tham gia CPTPP cần tránh việc nhập siêu giống như khi gia nhập WTO | |
Hiệp định CPTPP tạo áp lực cải cách thể chế rất lớn |
CPTPP sẽ thu hút vốn nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực
Quốc hội thảo luận thông qua CPTPP là thông tin tích cực, điểm sáng cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay. Về dài hạn, CPTPP sẽ mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện tăng trưởng cho các ngành có tính xuất khẩu như thủy hải sản, dệt may, logistic, khu công nghiệp và các các ngành gián tiếp hưởng lợi như bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở, văn phòng.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam. |
Dòng vốn FDI dự báo sẽ tăng lên nhiều do xu hướng dịch chuyển công xưởng, nhà máy sản xuất hoặc mở mới nhà máy ở Việt Nam, nhưng để phản ánh rõ ràng hơn thì cần thêm thời gian, bởi đầu tư nhà máy cần 1 - 2 năm mới lên hình hài và đi vào hoạt động. Các lĩnh vực ở trên cũng kỳ vọng hưởng lợi nếu gia tăng sản xuất, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, CPTPP chỉ có tác động tâm lý, bởi cần có thời gian để chuẩn bị, triển khai. Có thể thông tin Quốc hội thảo luận thông qua CPTPP sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu (nhất là nhóm dệt may, thủy sản…), nhưng mang tính tô đậm thêm, chứ không còn mạnh mẽ như trước.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chưa có dấu hiệu chuyển biến và chịu ảnh hưởng lớn hơn từ câu chuyện nâng hạng thị trường. Hiện các quỹ lớn, nhiều kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam đã đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành.
Còn dòng vốn mới sau này (ETF, chứng chỉ Pnote) mang tính ngắn hạn, phụ thuộc vào thông tin nâng hạng thị trường. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút các dòng vốn bền vững hơn từ các quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu có quy mô hàng trăm triệu USD, hàng tỷ USD.
Kỳ vọng các ngành dệt may, thủy sản, gỗ...
Việt Nam là quốc gia mà ngay từ đầu đã thể hiện sự nỗ lực và mong muốn tham gia CPTPP, vì vậy, việc Quốc hội thảo luận thông qua hiệp định này không quá bất ngờ với thị trường.
Ông Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. |
CPTPP cần không ít thời gian để có hiệu lực và có thể trong thời gian đầu, các quốc gia sẽ theo dõi kết quả từ Hiệp định có tác động cụ thể như thế nào, từ đó kỳ vọng nếu tích cực và nhiều lợi ích, sẽ có thêm nhiều nước lớn gia nhập. Khi đó, bức tranh chung về CPTPP sẽ có ảnh hưởng sâu rộng. Thực tế, một số quốc gia khác đang muốn tham gia CPTPP.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra khó lường, thì thông tin về sự hợp tác, ký kết, nhất là các hiệp định đa phương như CPTPP mang lại tâm lý tích cực. Các lĩnh vực mà Việt Nam hưởng lợi đã được nhắc đến thường xuyên như dệt may, thủy sản, gỗ... Giá cổ phiếu nhóm dệt may, thủy sản đã có đợt tăng khá tốt, nhưng so với định giá chung vẫn chưa cao và so với hoạt động kinh doanh tăng trưởng của nhóm này trong năm nay thì còn dư địa tăng. Nhà đầu tư có thể chờ đợi thêm để có hành động phù hợp.
Trong ngành dệt may, do quy mô doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, nên việc đầu tư công nghệ mới, hiện đại không bằng một số nước khác. Hiện Việt Nam đang có lợi thế về giá điện, chi phí nhân công thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong tương lai, khi mặt bằng giá nhân công tăng lên, giá điện tăng thì ngành dệt may phải thay đổi để gia tăng tăng lực, năng suất mới có thể cạnh tranh được.
Dòng vốn FDI đang đổ vào Việt Nam để né tránh rủi ro thương mại nếu đặt nhà máy tại Trung Quốc. Nhưng cũng cần chú ý, Trung Quốc có thể tìm kiếm quốc gia thứ hai để chuyển dịch công nghệ, nhà máy sang nhằm né thuế và Việt Nam là một sự lựa chọn, trong đó có cả công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng môi trường.
Hiện Việt Nam chưa nằm trong tầm ngắm đánh thuế của Mỹ, nhưng nếu dòng vốn Trung Quốc đổ sang Việt Nam quá nhiều (gồm cả hiện tượng núp bóng doanh nghiệp Việt Nam) thì không loại trừ khả năng Mỹ có thể kiểm soát về hạn ngạch thương mại từ Việt Nam.
Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp, dòng vốn này nhiều khả năng vẫn ổn định, một phần do quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam chưa lớn, nên mới chỉ thu hút được các quỹ quy mô trung bình và nhỏ.
Thị trường chứng khoán cũng hưởng lợi từ CPTPP
Việt Nam có nhiều lợi ích kinh tế từ CPTPP. Về cơ bản, các ngành sản xuất hàng hóa của Việt Nam ít phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của các nước tham gia Hiệp định. Các hàng hóa có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu như dệt may, giày dép, đồ gỗ… Đây là những mặt hàng thâm dụng lao động cao và là lợi thế riêng của Việt Nam trong các nước CPTPP.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn. |
Làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam rất có thể sẽ gia tăng khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa thấy điểm kết thúc, cộng hưởng với tác động từ CPTPP. Điều này là rất quan trọng, bởi nguồn lực FDI vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn và mang lại tăng trưởng cao cho kinh tế Việt Nam.
Thị trường chứng khoán nói chung sẽ hưởng lợi từ CPTPP về dài hạn khi những lợi ích từ Hiệp định được thể hiện rõ qua các số liệu tăng trưởng kinh tế. Trong trung hạn, một số ngành, lĩnh vực hưởng lợi sớm từ CPTPP như khu công nghiệp, hàng xuất khẩu, logistics… và có đại diện trên sàn chứng khoán sẽ thu hút được sự chú ý nhiều hơn của giới đầu tư.
Về dài hạn, chắc chắn CPTPP mang yếu tố tích cực cho Việt Nam
Cổ phiếu nhóm thủy sản và dệt may thời gian qua tăng giá chủ yếu nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng, dịch chuyển sản xuất do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Còn đối với CPTPP, quy mô rộng lớn hơn với đa ngành nghề và nhiều quốc gia lớn tham gia, chứ không chỉ tập trung ở châu Âu, đây là sân chơi lớn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta. |
Đáng chú ý, với yếu tố chiến tranh thương mại leo thang thì các thị trường lớn, trong đó có Mỹ, đang muốn tham gia CPTPP.
Về dài hạn, chắc chắn CPTPP mang yếu tố tích cực cho Việt Nam. Khi Hiệp định có hiệu lực, hầu hết thuế nhập khẩu ở các nước thành viên sẽ giảm dần về 0%, nên các lĩnh vực Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, thủy sản sẽ hưởng lợi. Nhưng lưu ý, tính cạnh tranh sẽ tăng cao, hàng nhập khẩu, hàng FDI sẽ nhiều hơn do thuế nhập khẩu giảm. Dĩ nhiên, người tiêu dùng được hưởng lợi. Đối với các doanh nghiệp nội, cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao tay nghề, đổi mới công nghệ…
Thực tế cho thấy, đã có những doanh nghiệp lớn của nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất đặt nhà máy tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội từ EVFTA và CPTPP, trong đó tập trung vào lĩnh vực dệt may. Từ trước đến nay, các thị trường Đông Nam Á chủ yếu là lắp ráp, gia công, nhưng hiện nay đã có những doanh nghiệp học hỏi thêm công nghệ sản xuất từ các doanh nghiệp FDI đến từ các nước tiên tiến.
Dòng vốn nước ngoài trên thị trường chứng khoán kỳ vọng vào việc nới “room” nhiều hơn là các hiệp định thương mại tự do. Đáng quan tâm nhất là lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ “thông thoáng” tới đâu - yếu tố này tác động rõ nét tới thị trường chứng khoán.
Từ nay đến cuối năm, những thương vụ thoái vốn nhà nước có thể sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó là yếu tố tăng vốn của các ngân hàng, với khả năng phát hành thêm cổ phiếu và bán cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, điều này còn chịu sự tác động từ “room” ngân hàng có được nới thêm hay không.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có 11 quốc gia thành viên: Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Việt Nam. Khối Nghiên cứu chiến lược và Quan hệ kinh doanh quốc tế, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đánh giá, khi CPTPP có hiệu lực sẽ tác động lên một số ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam ở các mức độ khác nhau. + Dệt may, da giày: tác động tích cực, song không đáng kể. + Thủy sản: tác động tích cực ở mức vừa phải. + Gỗ và sản phẩm từ gỗ: tác động tích cực, song không đáng kể. + Nông nghiệp: tác động tích cực đến ngành nông sản (trừ gạo) và tiêu cực đến ngành thức ăn chăn nuôi. + Lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá: tác động tiêu cực + Khoáng sản, dầu khí: tác động không đáng kể. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/